(HNM) - Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã có những bước chuyển mạnh mẽ, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp. Thành quả chung ấy có phần góp sức không nhỏ của ngành GD-ĐT...
Nguồn: Internet |
Mỗi năm thêm 100 trường mới
Các điều kiện quan trọng để bảo đảm chất lượng giáo dục đã được Hà Nội tập trung đầu tư trong suốt thời gian qua. Ngay sau khi hợp nhất, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 86/KH-UB với mức kinh phí 1.500 tỷ đồng để xóa hơn 5.500 phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp. Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga, đây là dấu ấn thể hiện sự quan tâm đặc biệt sâu sắc của lãnh đạo đối với ngành GD-ĐT. Sau kế hoạch 86/KH-UB, diện mạo giáo dục của các quận, huyện phía tây thành phố đã thay đổi đáng kể. Quy mô, mạng lưới giáo dục trong những năm qua liên tục phát triển, đến nay đã tăng lên gần 2.500 trường học các cấp, là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Tính trung bình, mỗi năm có thêm khoảng 100 trường học được xây dựng, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nguyện vọng học tập của con em nhân dân trên địa bàn.
Chuyển biến rõ rệt nhất là ở cấp học mầm non khi có thêm 2.000 phòng học mới được xây thay thế cho những phòng học đã cũ; nhiều trường mầm non được xây dựng khang trang trên diện tích hơn 1ha (Tân Hội - Đan Phượng, Sơn Ca - Sơn Tây); việc gom điểm lẻ được tích cực triển khai giúp cho việc tới trường của trẻ bớt gian nan…
Với mục tiêu tăng cường đầu
tư phát triển mạng lưới trường, lớp, bảo đảm cơ cấu hợp lý theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa, mới đây, lãnh đạo TP đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường học Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Việc dành quỹ đất để xây dựng trường học được quy định rõ: ưu tiên dành quỹ đất 5% phục vụ công cộng của các xã và tận dụng quỹ đất còn trống chưa khai thác để xây dựng trường học. Theo lộ trình, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ cải tạo và xây mới 1.215 trường học với gần 18 triệu mét vuông đất, kinh phí hơn 70 nghìn tỷ đồng.
Cùng với tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, định mức ngân sách cấp cho học sinh Hà Nội cũng tăng lên gấp 2 lần (cao nhất là ở cấp THPT với 4 triệu đồng/HS/năm, mức cũ là hơn 1,8 triệu đồng; cấp THCS từ hơn 1,7 triệu đồng lên 3,7 triệu đồng). Nhờ đó, các trường bớt đi nỗi lo cơm áo để tập trung công sức, trí tuệ cho việc dạy và học.
Chất lượng giáo viên ngày một cao
Phát triển GD-ĐT trong thời kỳ CNH-HĐH, hội nhập thế giới đòi hỏi việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên không chỉ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu mà còn phải đạt chuẩn nghề nghiệp. Kế hoạch về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý Thủ đô đến năm 2016 đã được xây dựng với lộ trình cụ thể. Ba vấn đề tiếp tục được chú trọng là tiếp nhận và luân chuyển, đánh giá và bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ. Công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý được quan tâm nhiều hơn; đội ngũ giáo viên ngày càng được ưu tiên, tạo điều kiện đi học tập nâng cao trình độ, được hưởng chính sách hỗ trợ khi làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ…
Việc nâng cao chất lượng đội ngũ được ngành GD-ĐT xác định là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm, tạo tiền đề vững chắc để nâng dần chất lượng GD-ĐT, khắc phục dần tình trạng "xôi đỗ" về chuyên môn, nghiệp vụ ở các cấp học sau khi mở rộng địa giới.
Để đội ngũ nhà giáo yên tâm gắn bó, chuyên tâm với nghề, việc thực hiện chế độ, chính sách cho từng diện đối tượng được coi trọng. Nếu như trước đây, các cô giáo mầm non ở trường bán công chỉ hưởng lương hợp đồng với mức lương tối thiểu, thì nay đã được hưởng như viên chức, có phụ cấp ưu đãi, được đóng bảo hiểm xã hội. Từ nay tới năm 2015, toàn bộ giáo viên các trường mầm non bán công chuyển thành công lập sẽ được tuyển vào biên chế (khoảng 26 nghìn người).
Kết quả xếp loại văn hóa khá, giỏi của HS THCS và THPT trong năm học qua tăng hơn 7% so với năm trước; ý thức kỷ luật, chấp hành nội quy của HS có chiều hướng tiến bộ với 97% HS xếp loại hạnh kiểm khá, tốt, tăng hơn 1,22%. HS Hà Nội tiếp tục giành thứ hạng cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Kết quả đó là hệ quả tất yếu của sự nỗ lực trong việc nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng mà ngành GD-ĐT Thủ đô đã triển khai trong 4 năm qua và cũng là minh chứng về sự quan tâm của thành phố đối với sự nghiệp trồng người cũng như tính đúng đắn của Nghị quyết 15/2008/QH để đẩy mạnh phát triển Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.