(HNM) - Ít người biết rằng, trong 3 thập kỷ gần đây, Mỹ không phê duyệt xây mới nhà máy ĐHN nào sau tai nạn Three Mile Island năm 1979. Đến gần đây, Washington mới khởi động lại kế hoạch này.
Sự thận trọng hay bài toán chiến lược
Vụ tai nạn tại Nhà máy Three Mile Island để lại sự chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Mỹ, trong đó không khí bao trùm là nỗi hoài nghi về sự an toàn của ĐHN. Bằng chứng là trong 30 năm gần đây, Mỹ hầu như chỉ xây mới các nhà máy điện sử dụng nguyên liệu khí hoặc than đá.
Theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới (WNA), hầu như tất cả các lò phản ứng hạt nhân phát điện tại Mỹ được xây dựng trong giai đoạn 1967-1990, có quyết định đầu tư trước tai nạn Three Mile Island. Từ năm 1992 đến năm 2005, khoảng 270.000MW mới hòa lưới điện quốc gia là do các nhà máy điện khí mang lại, trong khi chỉ có 14.000MW là do các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá và ĐHN tạo ra.
Nhà máy Điện hạt nhân Diablo Caynon (Mỹ) được thiết kế có khả năng chống động đất. |
Mặc dù không xây mới các nhà máy ĐHN nhưng sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn năng lượng này không vì thế giảm đi. Năm 1980, nếu như ĐHN chỉ sản xuất 251 tỷ kWh, chiếm 11% tổng sản lượng điện của cả nước thì đến nay con số này đã tăng hơn 3 lần và chiếm gần 20% tổng sản lượng điện tiêu thụ, đồng thời chiếm tới 30% lượng điện tạo ra từ năng lượng hạt nhân trên toàn cầu. Sự "suy giảm ổn định" này phần lớn bắt nguồn từ việc 47 lò phản ứng mới - được phê duyệt cho xây dựng trước năm 1977 - tạo ra.
Trong quãng thời gian này, ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc cải tiến các hệ thống tiếp nhiên liệu, bảo dưỡng và an toàn tại các nhà máy ĐHN hiện có. Từ năm 2001 đến nay, các nhà máy này đã đạt công suất vận hành trung bình trên 90% so với thiết kế, một hiệu suất khá cao so với nhiều quốc gia khác.
Trong khi ngừng xây mới các lò phản ứng phát điện ở trong nước, Mỹ có xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ ĐHN ra nước ngoài. Đặc biệt, công nghệ của Tập đoàn Westinghouse hiện chiếm gần một nửa số nhà máy ĐHN đang hoạt động trên thế giới. Tại Việt Nam, một số công ty ĐHN của Mỹ cũng đã có sự tiếp cận với mục đích "đón đầu" các dự án ĐHN tương lai, tiếp sau hai nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, 2 đã được phê duyệt sử dụng công nghệ của Nga và Nhật Bản.
Bắt đầu kỷ nguyên mới
Hiện nay, Mỹ đã làm chủ công nghệ khai thác, chế biến dầu thô bằng công nghệ "đá phiến" với hiệu suất thu hồi dầu cao nhất thế giới, khiến nhiều chuyên gia cho rằng, điều đó có thể làm giảm sự "quan tâm" của Washington đối với ĐHN. Tuy nhiên, những phân tích gần đây cho thấy suy luận đó không hoàn toàn đúng.
Theo các chuyên gia, sở dĩ Mỹ xây mới nhà máy ĐHN vì khá nhiều lò phản ứng đang phát điện sẽ phải dừng hoạt động trong khoảng 10-15 năm tới. Mỹ cũng đứng trước áp lực quốc tế về việc phải giảm phát thải khí nhà kính mà kế hoạch "Năng lượng sạch" công bố ngày 3-8-2015 là điển hình, nhằm ngăn ngừa hậu quả của biến đổi khí hậu, trong đó chủ yếu do các nhà máy nhiệt điện khí, dầu và than đá gây ra. Ngoài ra, công nghệ ĐHN sau nhiều thập kỷ phát triển cũng đã ra đời các thế hệ lò phản ứng mới an toàn, hiệu quả hơn hẳn so với trước đây… Những lý do này khiến Washington ngày nay không còn "ngoảnh mặt" với việc xây mới nhà máy ĐHN. Theo WNA, Mỹ đã có kế hoạch triển khai 5 lò phản ứng phát điện mới và đi vào vận hành trước năm 2020.
Cam kết "trở lại" với ĐHN của Mỹ được cụ thể hóa bằng tuyên bố của Bộ trưởng Năng lượng Ernest Moniz ngày 19-2-2014, tại CLB báo chí ở Washington. Theo đó, ông Moniz khẳng định, Nhà Trắng đã phê duyệt khoản bảo lãnh tín dụng 6,5 tỷ USD, trong tổng kinh phí 8,3 tỷ USD để xây dựng Nhà máy ĐHN Vogtle ở địa hạt Waynesboro, bang Georgia. Với hai lò phản ứng, nhà máy ĐHN mới này sẽ sản xuất ra lượng điện đủ cung cấp cho gần 1,5 triệu hộ gia đình. Cũng theo ông Moniz, việc bảo lãnh tín dụng cho phép xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên trong gần ba thập kỷ là một phần trong chủ trương của chính quyền Tổng thống B.Obama phát triển các nguồn năng lượng sạch, độc lập về năng lượng nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài việc xây dựng nhà máy ĐHN, Nhà Trắng cũng đẩy mạnh việc khai thác khí đốt, phát triển nhiên liệu sinh học, mở rộng nguồn điện mặt trời và phong điện.
Điểm cần lưu ý, sau sự cố Fukushima (tại Nhật Bản, tháng 3-2011), các viện nghiên cứu và trường đại học của Mỹ được đầu tư và trao nhiệm vụ triển khai các công trình nghiên cứu nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao tính an toàn các nhà máy ĐHN. Chính Tổng thống B.Obama cũng đề cập cụ thể hơn đến định hướng nêu trên khi phát biểu tại Đại học Ohio ngày 2-3-2012, rằng: "Chúng ta có thể xây dựng các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới, nhỏ hơn, an toàn hơn, sạch hơn và rẻ hơn".
Thời gian qua, cụ thể hóa cam kết này, các nhà khoa học Mỹ tập trung nâng cao độ an toàn thụ động cho các lò phản ứng, đồng nghĩa với việc giảm yêu cầu đối với các thao tác của người vận hành lò phản ứng khi gặp sự cố nhằm tránh những sai sót mới do con người gây ra. Ngoài ra, việc đánh giá lại các hiện tượng tự nhiên tiềm tàng, đặc biệt là nguy cơ động đất; sử dụng các mô hình tính toán nhằm mô hình hóa tốt hơn các lò phản ứng đang hoạt động để đề phòng, cải tiến và nâng cao độ an toàn của lò cũng được nghiêm túc xem xét…
Ngày 28-3-1979, tại Tổ máy số 2, Nhà máy ĐHN Three Mile Island ở bang Pennsylvania xảy ra sự cố nghiêm trọng nhất trong ngành năng lượng nguyên tử của Mỹ. Theo đó, hệ thống làm mát tại nhà máy bị hỏng, dẫn tới sự rò rỉ phóng xạ một phần, nhưng việc rò rỉ toàn bộ đã được chặn đứng. Ngay sau đó, lệnh di tản dân chúng khẩn cấp trong phạm vi bán kính 9km xung quanh nhà máy được ban bố. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.