Góc nhìn

Xây dựng ý thức kỷ luật tự giác

Mạnh Thắng 28/08/2023 - 06:29

Đối với cán bộ, đảng viên, thực hiện công vụ hiệu quả cao là nhiệm vụ quan trọng nhất diễn ra hằng ngày theo sự phân công của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này cần nhiều yếu tố, trong đó có việc chấp hành nghiêm kỷ luật. Đây là yêu cầu cấp thiết, trực tiếp nâng cao hiệu quả công tác, đạo đức công vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Ý thức kỷ luật trong mỗi tổ chức là thành tố bắt buộc nhằm bảo đảm cho tập thể hoạt động thống nhất, tập trung, xây dựng mối đoàn kết, hướng tới phát triển bền vững, ngăn ngừa những biểu hiện, hành vi chệch hướng của cá nhân trong tổ chức. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, kỷ luật được xem là thước đo đánh giá sự trung thành, phẩm chất chính trị, đạo đức. Đó là thói quen lặp đi lặp lại trong chấp hành tuyệt đối các quy định do tập thể, tổ chức đặt ra nhằm bảo đảm tính chặt chẽ của tổ chức trong thực thi công vụ.

Ở phạm vi hẹp, kỷ luật được hiểu là những quy tắc do cá nhân đặt ra để rèn luyện bản thân trong học tập, công việc cũng như trong cuộc sống. Thực tế cho thấy, ở mỗi tập thể, kỷ luật được thiết lập ngay từ khi hình thành. Nó được ví như “chất kết dính”, xây dựng đoàn kết tập thể, giúp cá nhân nêu cao trách nhiệm, sống và làm việc theo khuôn mẫu, chuẩn mực. Kỷ luật cũng góp phần ngăn ngừa, hạn chế hành vi phạm pháp; thúc đẩy tinh thần thi đua, xây dựng văn hóa, đạo đức, bảo đảm cho tập thể vững mạnh và phát triển không ngừng.

Hiện nay, việc không chấp hành kỷ luật vẫn còn xảy ra khiến dư luận không khỏi lo ngại. Một trong những biểu hiện rõ nhất là tình trạng vi phạm pháp luật của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Hiện tượng cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao vi phạm pháp luật diễn ra ở nhiều lĩnh vực với mức độ, tính chất khác nhau. Càng ở lĩnh vực dễ sinh lợi ích, như quản lý đất đai, tài sản, tài chính, thực thi pháp luật và thực hiện đề án, dự án thì tình trạng vi phạm kỷ luật càng dễ xảy ra. Ví dụ, như vụ Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á liên quan tới nâng khống giá kit test Covid-19; vụ Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch FLC) sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán; vụ Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh), Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) liên quan đến sai phạm trong trái phiếu doanh nghiệp; vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch AIC) sai phạm về đấu thầu...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, trước hết là sự sa sút về phẩm chất đạo đức cách mạng; không gương mẫu, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể; chạy theo lợi ích vật chất; lạm quyền, lộng quyền. Cá biệt, có tình trạng vi phạm kỷ luật, vi phạm có tổ chức, thành hệ thống gây tiếng xấu trong cộng đồng xã hội. Gần đây, dư luận được biết đến những sai phạm kỷ luật nghiêm trọng trong thực thi công vụ thông qua hiện tượng trục lợi chính sách với nhiều đối tượng tham gia và được tổ chức hết sức tinh vi. Điều này cho thấy, có thời điểm, kỷ luật chưa được đề cao và phát huy tác dụng đầy đủ trong thực thi công vụ.

Lịch sử xã hội loài người đã chứng minh, khi văn hóa đạo đức, đặc biệt là văn hóa chính trị mang bản chất tiến bộ sẽ góp phần quyết định và củng cố sự bền vững của chế độ, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Đối với nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, văn hóa chính trị tiến bộ bảo đảm cho sự bền vững. Theo đó, việc trang bị, giáo dục văn hóa chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của chúng ta luôn là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, cấp bách và lâu dài. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp trong hệ thống chính trị phải thường xuyên trau dồi, nâng cao khả năng tư duy khoa học trên cơ sở không ngừng bổ sung những kiến thức mới về các khoa học cơ bản, triết học, lý luận chính trị - xã hội...

Cụ thể, các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường giáo dục Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, thực hiện Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là các quy định của Đảng về kỷ luật; chú trọng phát triển phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong tập thể, lấy xây dựng môi trường văn hóa để lan tỏa tinh thần rèn luyện kỷ luật công vụ của từng cá nhân; gắn tinh thần chấp hành kỷ luật với thi đua khen thưởng. Bên cạnh đó là khích lệ tập thể qua biểu dương những cá nhân có ý thức cao trong chấp hành kỷ luật, pháp luật, trọng đạo đức và lối sống lành mạnh, dám làm, dám cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp chung.

Sinh thời, khi nói về kỷ luật đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên”. Người cho rằng, nếu kỷ luật lỏng lẻo thì những kẻ cơ hội, những phần tử phản động dễ dàng chui vào hàng ngũ để phá hoại Đảng. Đồng thời, đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên càng có công thì càng phải khiêm tốn, không được “tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật”.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc xây dựng ý thức kỷ luật tự giác cần được đề cao thực hiện thường xuyên, liên tục, thông suốt. Đây chính là điều kiện tiên quyết để xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo đảm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước được triển khai và thực hiện thắng lợi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng ý thức kỷ luật tự giác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.