Xây & Chống

Xây dựng văn hóa liêm chính

Đức Tâm 29/01/2024 06:53

1. Thời gian qua, không ít cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu vén cá nhân đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Những vi phạm này nếu không được phát hiện sẽ làm tăng nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ. Thế nên, xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên trở thành vấn đề thời sự, được dư luận quan tâm nhiều hiện nay.

Văn hóa liêm chính là một bộ phận của văn hóa công vụ, là đặc trưng quan trọng của văn hóa chính trị và được xây dựng dựa trên các nguyên tắc đạo đức, truyền thống văn hóa và quan điểm, định hướng chính trị của quốc gia, giúp mỗi người hoạt động trong hệ thống chính trị nhận thức rõ bổn phận, trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Văn hóa liêm chính biểu hiện trong hành vi ứng xử với cá nhân, với tổ chức và với việc mà một cá nhân hoặc một nhóm người phải tuân thủ trong thực thi công vụ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng xây dựng văn hóa liêm chính và Người chính là tấm gương mẫu mực thực hành văn hóa liêm chính. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, dường như vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên chưa chú trọng thực hành văn hóa liêm chính. Điển hình là số cán bộ, đảng viên có chức có quyền bị kỷ luật hoặc phải hầu tòa về tham ô, tham nhũng, tiêu cực, trục lợi hoặc làm thất thoát tiền, tài sản nhà nước bị xử lý trong thời gian qua. Tình trạng cán bộ, đảng viên không liêm chính, thiếu trung thực rất đa dạng, như: Khai gian tuổi, khai man lý lịch; tung tin đồn thất thiệt, làm rối loạn lòng người, gây mất đoàn kết nội bộ; “tham mưu láo, báo cáo sai”; giấu khuyết điểm, khoe khoang thành tích; lo lót, chạy chọt, mua bán bằng cấp, chức quyền; nói nhiều, làm ít; nói hay, làm dở; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác ngoài hội nghị, nói trước tập thể khác với cá nhân, nói với cấp trên khác với cấp dưới, nói với đảng viên khác với quần chúng; thiếu công bằng, hay thiên vị; “yêu nên tốt, ghét nên xấu”...

Những thống kê gần đây khiến chúng ta phải suy nghĩ về chất lượng thực hiện văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên. Ví dụ, chiều ngày 19-12-2023, Bộ Nội vụ công bố thống kê, tính từ ngày 1-1 đến 15-12-2023 có 17.808 cán bộ đảng viên, công chức, viên chức bị kỷ luật. Đối với thành phố Hà Nội, trong năm 2023, Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa 36 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo; tập trung chỉ đạo xử lý 64 vụ việc, vụ án... Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 9 vụ án Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Đây đều là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp. Kết quả xét xử vụ án theo đúng tinh thần: “Không có ngoại lệ, không có vùng cấm”, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ... Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu, trong quý I-2024, phải kết thúc điều tra, giải quyết theo quy định pháp luật 40 vụ án, vụ việc; đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án…

2. Xây dựng văn hóa liêm chính giúp bộ máy nhà nước trong sạch, giúp con người gột rửa chủ nghĩa cá nhân. Do đó, cần kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính ở mọi lúc, mọi nơi, nổi bật là đề cao cơ chế kiểm soát, giáo dục và thực thi pháp luật từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Cần tăng cường kiểm soát những người có chức, có quyền, vì khi có quyền, họ dễ lãng quên văn hóa liêm chính, dễ sa ngã, dẫn đến vi phạm pháp luật.

Để cán bộ có chức, có quyền triệt để thực hiện chữ “liêm”, thực hành văn hóa liêm chính thì cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; kịp thời nghiêm trị những kẻ gian dối; xây dựng phong trào sống và làm việc theo pháp luật, tuyệt đối tuân thủ pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, làm gương cho nhân dân noi theo. Một công việc hết sức quan trọng để chống tham nhũng, tiêu cực là nâng cao công tác tuyên truyền. Khi nhân dân biết quyền của họ đến đâu thì sẽ kiểm soát cán bộ, giúp cán bộ thực hiện văn hóa liêm chính tốt hơn.

Biện pháp quan trọng nhất hiện nay là các cấp ủy Đảng cần quan tâm đưa nội dung giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng vào sinh hoạt chi bộ thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề. Cấp ủy cấp trên quan tâm gợi ý kiểm điểm và trực tiếp tham dự, chỉ đạo những chi bộ có đảng viên có biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, không liêm chính, tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, người đứng đầu cấp ủy các cấp phải nghiêm túc thực hiện việc tiếp công dân theo quy định của Đảng; phải lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Thanh sạch, liêm khiết ấy chính là Liêm vậy. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, cũng chẳng muốn ham hố vật chất. Hơn nữa chính là tinh thần chí công vô tư, “dĩ công vi thượng” và biết quên mình mà làm chuyện lợi ích chung…”.

Đi theo Đảng là để cống hiến cho dân tộc, cho đất nước, cho nhân dân. Muốn cống hiến phải thấu rõ văn hóa liêm chính mà gột rửa lòng tham vị kỷ chủ nghĩa cá nhân. Nếu không có văn hóa liêm chính dẫn đạo thì rất dễ “thân bại danh liệt” vì việc gì cũng cố chiếm đoạt bằng mọi thủ đoạn. Thế nên, xây dựng và củng cố văn hóa liêm chính luôn là việc cấp kíp!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hóa liêm chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.