Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng văn hóa giao thông an toàn

Nhóm phóng viên| 19/03/2022 06:31

(HNM) - Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 tăng cường đôn đốc, kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố năm 2022. Là những vấn đề rất thiết thực trong đời sống, đặc biệt với lĩnh vực giao thông nên kế hoạch trên đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Báo Hànộimới lược ghi một số ý kiến về chủ đề xây dựng văn hóa giao thông an toàn.

Tuân thủ Luật Giao thông đường bộ sẽ góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn. Ảnh: Đỗ Tâm

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đào Việt Long:
Tập trung thực hiện tốt chủ đề Năm An toàn giao thông 2022

Thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đặc biệt quan tâm xử lý vi phạm để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tăng cường phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và các đơn vị liên quan kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về trật tự an toàn giao thông; không để hình thành các điểm, tụ điểm phức tạp, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô theo yêu cầu của Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chủ đề Năm An toàn giao thông 2022 “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nghiên cứu để tham mưu UBND thành phố chỉ đạo với các biện pháp, giải pháp hữu hiệu, phù hợp, khắc phục cơ bản những bất cập, vướng mắc, khó khăn.

Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà:
Phục vụ hiệu quả các mục tiêu cải thiện đời sống nhân dân

Trên cơ sở Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197, quận sẽ tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực giao thông, trật tự, xây dựng, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy. Công tác tuyên truyền phải có chiều sâu, đa dạng, phong phú, bám sát nội dung của Năm An toàn giao thông. Chủ động phối hợp với các cơ quan để xóa bỏ những điểm đen, những điểm có nguy cơ về ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Huy động các lực lượng có trách nhiệm hỗ trợ phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông. Không để xảy ra các điểm mất vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phục vụ hiệu quả các mục tiêu an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội):
 Xử lý những điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông mới

Từ kế hoạch của Phòng Cảnh sát giao thông, Đội tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông. Để thực hiện tốt Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội, Đội tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông, làm giảm số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Tập trung lực lượng để không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, kịp thời xử lý những điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc giao thông mới và các điểm đen về tai nạn giao thông.

Ông Phạm Đức Phú, phường Thượng Thanh, quận Long Biên:
Tăng cường phạt “nguội” để nâng cao ý thức người dân

Chủ đề Năm An toàn giao thông 2022 “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã phản ánh đúng tinh thần và tình hình giao thông trong giai đoạn hiện nay. Năm 2021, số vụ tai nạn giao thông tuy giảm sâu ở cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và bị thương, nhưng mức giảm chưa tương xứng với mức độ giảm của lưu lượng giao thông. Vì vậy, việc đề ra mục tiêu “kép” nhằm kéo giảm tai nạn giao thông và bảo vệ sức khỏe người dân, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát là rất kịp thời và cần thiết. Người dân kỳ vọng, bên cạnh những biện pháp nâng cao hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, cơ quan chức năng cần đẩy nhanh việc lắp đặt camera giám sát, tăng cường xử lý phạt “nguội” để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy:
Xử phạt nghiêm để tăng tính răn đe

Việc phát sinh và gia tăng vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… trên thực tế những năm qua còn tồn tại nhiều. Do đó, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Ban Chỉ đạo 197 thành phố thể hiện sự quyết liệt, tính răn đe đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông. Để giảm dần các hành vi vi phạm trong những lĩnh vực nêu trên, cách làm hiệu quả nhất vẫn là kiểm tra, phát hiện sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hóa giao thông an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.