Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp - Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch

Hoàng Lân| 26/08/2022 10:26

(HNMO) - Sáng 26-8, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học Văn hóa doanh nghiệp - Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch với sự tham gia của gần 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, hiệp hội, doanh nghiệp.

 Toàn cảnh Hội thảo khoa học Văn hóa doanh nghiệp - Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và chủ đề công tác năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Năm xây dựng văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ, đồng thời, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong toàn xã hội. Bên cạnh việc đánh giá vai trò của văn hóa doanh nghiệp đối với việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, hội thảo tập trung phân tích thực trạng và hiệu quả của phát huy văn hóa doanh nghiệp; nêu bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp hiệu quả để xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, sự khủng hoảng của các doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc dân. Trong bối cảnh ấy, nhiều doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới sáng tạo, có nhiều cách làm hay, hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh, vừa phòng, chống tốt dịch bệnh. Một số doanh nghiệp lớn, có uy tín và truyền thống lâu năm vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, có nhiều đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch.

Lý giải về nguyên nhân tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, đó là doanh nghiệp đã xây dựng, kiến tạo được những giá trị văn hóa mang tính truyền thống, vững bền. Những giá trị văn hóa tốt đẹp của doanh nghiệp thể hiện qua mục tiêu, triết lý kinh doanh; chất lượng, thương hiệu sản phẩm; những cam kết, trách nhiệm của doanh nghiệp với khát vọng, mong muốn mang tới những điều tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội. 

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, tại lễ công bố Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” ngày 7-11-2016, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia”.

Bà Trịnh Thị Thủy cũng cho rằng, văn hóa doanh nghiệp là tiếp tục giữ vững chữ tín, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm, giá cả phù hợp, quan tâm, chăm lo chế độ, chính sách cho người lao động, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội, đồng thời, có những chương trình hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Nhiều mô hình, sáng kiến hay về xây dựng văn hóa doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia văn hóa, kinh tế cho rằng, để doanh nghiệp phát triển bền vững, mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng, xã hội cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang tầm quốc gia có sự hội nhập với văn hóa thế giới. Ngoài ra, cần tạo môi trường làm việc trong các doanh nghiệp thật sự lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, khoa học, nhân văn, vì lợi ích cộng đồng và sự phát triển toàn diện con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp - Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.