(HNM) - Thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai do Bộ NN&PTNT phát động, huyện Đan Phượng đang xây dựng hơn 7km đê hữu Hồng trở thành tuyến đê kiểu mẫu... Thông qua việc làm này, tuyến đê hữu Hồng không những đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng, chống lũ, giảm số vụ vi phạm mà còn làm đẹp cảnh quan.
Trên địa bàn huyện Đan Phượng có 6 tuyến đê, với tổng chiều dài 35,13km; trong đó có 3 tuyến đê cấp I là đê Vân Cốc dài 6,7km, hữu Hồng dài 7,63km, tả Đáy dài 3,3km… Trong các tuyến đê cấp I của huyện, tuyến đê hữu Hồng giữ vai trò quan trọng, làm nhiệm vụ trực tiếp ngăn lũ sông Hồng bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều năm trước, tuyến đê này thường xuyên bị xâm hại.
Ông Dương Thế Hưng, người dân xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) cho biết, do khu dân cư nằm sát chân đê nên nhiều năm trước, đoạn đê đi qua xã là điểm nóng về nạn đổ trộm rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho công trình chống lũ.
Khắc phục tình trạng trên, từ năm 2016, huyện Đan Phượng đã đăng ký với Bộ NN&PTNT và UBND thành phố Hà Nội xây dựng đê hữu Hồng trở thành tuyến đê kiểu mẫu, phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành. Theo Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Đan Phượng Nguyễn Xuân Phong, để được công nhận là tuyến đê kiểu mẫu, đê hữu Hồng phải đạt các tiêu chí về mặt cắt, cao trình chống lũ, có đường hành lang hai bên đê và có điếm canh đê… Bên cạnh đó, các địa phương không để xảy ra vi phạm hành lang bảo vệ đê, đổ rác thải, phế thải, tập kết vật liệu xây dựng…
Thực hiện kế hoạch, huyện Đan Phượng đã giao các tổ chức, đoàn thể các xã dọc tuyến đê hữu Hồng tuyên truyền, vận động nhân dân dọn rác, phế thải, phát quang bụi rậm mái đê… Bên cạnh đó, huyện tập trung xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và không để phát sinh vi phạm mới... Ngoài ra, huyện phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội chỉnh trang mái thượng lưu đê hữu Hồng thuộc địa phận xã Hồng Hà, dài 2,85km. Sau khi hoàn thành các công việc trên, năm 2018, huyện Đan Phượng được các cấp, ngành hỗ trợ kinh phí nâng cấp đê, kè hữu sông Hồng, đoạn từ K26+580 đến K32+000 và từ K40+350 đến K47+980. Hiện nay, nhà thầu thi công đã cơ bản làm xong các hạng mục mở rộng mặt đê, hành lang chân đê, tiếp tục gia cố mặt đê, điếm canh đê, dốc lên đê… Dự kiến trong tháng 12 này, tuyến đê kiểu mẫu hữu Hồng sẽ hoàn thành và bàn giao cho địa phương quản lý, sớm hơn kế hoạch dự kiến là đến tháng 3-2020.
Đáng nói là từ khi xây dựng tuyến đê kiểu mẫu, người dân sinh sống dọc hai bên tuyến đê rất phấn khởi, phối hợp với các cấp chính quyền bảo vệ đê, góp công sức tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Ông Nguyễn Văn Trường, người dân xã Liên Hồng cho biết: “Từ khi xây dựng tuyến đê kiểu mẫu, nhân dân ở đây đã thống nhất không để xảy ra tình trạng đổ rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng, lấn chiếm hành lang bảo vệ đê”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, thực hiện phong trào xây dựng tuyến đê kiểu mẫu, người dân và chính quyền cấp cơ sở đã có ý thức hơn trong quản lý, bảo vệ đê điều; tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều giảm rõ rệt. Sau tuyến đê hữu Hồng, huyện sẽ tiếp tục xây dựng các tuyến đê còn lại trên địa bàn trở thành tuyến đê kiểu mẫu; trước mắt, tập trung xây dựng hơn 6km đê Vân Cốc.
“Trên cơ sở thành công của phong trào xây dựng tuyến đê kiểu mẫu của huyện Đan Phượng, thời gian tới, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão tiếp tục tham mưu với Sở NN&PTNT đề xuất UBND thành phố Hà Nội, Bộ NN&PTNT đẩy mạnh tại các địa phương khác, như huyện: Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Trì, Thường Tín… tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đê điều, bảo đảm an toàn chống lũ, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều…”, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.