Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2021: Quyết tâm về đích đúng hẹn

Thống Nhất| 27/10/2021 06:14

(HNM) - Năm 2021, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng 85 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Tuy vậy, diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai. Song, với quyết tâm xây dựng môi trường giáo dục đạt chuẩn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, các đơn vị, trường học thuộc thành phố Hà Nội đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn, ưu tiên cao nhất mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ để về đích đúng hẹn.

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia góp phần quan trọng vào công tác nâng cao chất lượng dạy và học. Trong ảnh: Một giờ học ngoại ngữ trong năm học 2020-2021 của học sinh Trường Trung học cơ sở Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) - trường đạt chuẩn quốc gia năm 2020. Ảnh: Thanh Tùng

Khắc phục khó khăn, bảo đảm tiến độ

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, toàn thành phố hiện có 1.696 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm 77% số trường công lập của Thủ đô. Năm 2021, toàn ngành phấn đấu xây dựng 85 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, gồm 30 trường mầm non, 26 trường tiểu học, 24 trường trung học cơ sở và 5 trường trung học phổ thông. Đến thời điểm này, các đơn vị đã hoàn thành việc tự đánh giá theo quy định và đang hoàn thiện hồ sơ.

Là trường mới được đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đánh giá đạt các tiêu chuẩn quy định của trường đạt chuẩn quốc gia, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tự Lập (huyện Mê Linh) Đào Xuân Đoàn cho biết, nhiều hạng mục đã xuống cấp nên trường được huyện Mê Linh đầu tư 41 tỷ đồng để cải tạo, xây dựng mới. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mê Linh, đơn vị thi công và nhà trường đã khắc phục nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, mua sắm trang thiết bị. Hiện tại, nhà trường đang chờ quyết định công nhận đạt chuẩn quốc gia...

Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên Vũ Thị Thu Hà thông tin, năm 2021, kế hoạch của quận Long Biên là xây dựng 5 trường đạt chuẩn. Sau một thời gian tạm dừng để phòng, chống dịch, các dự án đang tăng tốc triển khai và đã cơ bản hoàn thiện 5 tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia. Với tiến độ này, hết năm nay, toàn quận sẽ có 70 trường chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ hơn 83% số trường công lập của quận.

Song, không phải đơn vị nào cũng thuận lợi như vậy. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng, ngoài nguy cơ chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của quận còn gặp khó khăn do quỹ đất của một số trường hạn chế. Việc mở rộng, cải tạo một số trường chưa đáp ứng kịp tốc độ gia tăng học sinh hằng năm, dẫn đến sĩ số học sinh/lớp cao hơn quy định, nhất là tại địa bàn có nhiều khu đô thị…

Tập trung mọi nguồn lực

Khu giáo dục thể chất của Trường Trung học cơ sở Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm), một trong 85 trường phấn đấu xây dựng đạt chuẩn quốc gia năm 2021 của thành phố Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam

Để hỗ trợ các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2021, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp, như hỗ trợ kinh phí cho một số huyện khó khăn, ưu tiên quỹ đất để mở rộng, xây dựng trường học… Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã kịp thời hỗ trợ các đơn vị trong quá trình triển khai. Đặc biệt, các đơn vị, trường học đã đẩy nhanh tiến độ, ưu tiên cao nhất cho công tác này để về đích đúng hẹn.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, toàn huyện đang nỗ lực để được UBND thành phố Hà Nội công nhận 14 trường đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm nay. Hiện tại, các dự án đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc. Các đơn vị thi công sẽ tận dụng tối đa thời gian còn lại của năm để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các hạng mục đủ theo 5 tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, để giải quyết bài toán quá tải trường học, giảm dần sĩ số học sinh/lớp ở những nơi có quy mô lớn, quận Hà Đông đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, ưu tiên kinh phí, bổ sung quỹ đất để xây dựng thêm trường học, tách trường với những đơn vị có quy mô lớn và nâng tầng ở một số trường... Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội rất quan trọng. Các trường trong kế hoạch đều được ưu tiên dành kinh phí rất lớn, như: Trường Tiểu học Kim Đồng được đầu tư 120 tỷ đồng, Trường Tiểu học Thành Công B được đầu tư 80 tỷ đồng… Đến hết năm nay, quận sẽ có thêm 4 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, để có tổng cộng 40 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm gần 82% số trường công lập của quận.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Thúy Lĩnh (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Chúng tôi đang nỗ lực đồng hành cùng nhà trường hoàn thiện các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất để đạt trường chuẩn, như sân chơi, cây xanh…, giúp các con sớm được học tập ở môi trường tốt”. 

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, từ nay đến cuối năm 2021, Sở tiếp tục đôn đốc các đơn vị, nhà trường thực hiện các thủ tục theo quy định, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, tận dụng tối đa thời gian để hoàn thành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2021 ở mức cao nhất. Dù có áp lực về thời gian, song quan điểm của Sở là không vì đạt chỉ tiêu mà tổ chức đánh giá, thẩm định qua loa. Các trường đạt chuẩn quốc gia phải bảo đảm sĩ số học sinh/lớp theo đúng Điều lệ trường học ở từng cấp học. Cụ thể, không quá 35 học sinh/lớp đối với các trường tiểu học; không quá 45 học sinh/lớp đối với trường trung học cơ sở, trung học phổ thông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2021: Quyết tâm về đích đúng hẹn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.