Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh

Long Hà| 26/10/2020 06:26

(HNM) - Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng (ban hành ngày 30-10-2016) đánh giá: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức Đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu”.

Bốn năm sau, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (đang công bố xin ý kiến nhân dân) tiếp tục nhận định: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng còn thấp”.

Rõ ràng, bên cạnh những kết quả hết sức to lớn, rõ nét, vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đòi hỏi cần được quan tâm thường xuyên với những biện pháp hữu hiệu hơn.

Trong Di chúc thiêng liêng gửi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Vào Đảng là tự nguyện. Hy sinh cho sự nghiệp của Đảng phải là tự nguyện, thậm chí tự nguyện một cách thiêng liêng, cao độ.

Nhưng chủ nghĩa cá nhân cùng những tham vọng quyền lực, vật chất đã làm không ít cán bộ, đảng viên biến dạng, rơi vào suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống với nhiều biểu hiện khác nhau. Không ít người khi mới kết nạp Đảng là những tấm gương sáng cho người khác, nhưng chỉ sau một thời gian được làm cán bộ, nắm quyền lực, đã trở thành người khác: Bất chấp nguyên tắc, quy định của Đảng, coi thường pháp luật, coi thường tổ chức, cấp trên, coi khinh cấp dưới… Kết cục là không chỉ cá nhân bị kỷ luật, bị xử lý hình sự, mà tổ chức Đảng cũng bị giảm sút uy tín, năng lực lãnh đạo, rệu rã sức chiến đấu.

Trong 4 năm (2016-2019) các cấp ủy trong toàn Đảng đã kiểm tra 220.560 tổ chức Đảng, giám sát 145.535 tổ chức. Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 13.619 tổ chức Đảng và thực hiện giám sát 151.214 tổ chức. Qua kiểm tra, toàn Đảng đã thi hành kỷ luật 1.063 tổ chức Đảng.

Phía sau các con số này là những vụ việc với nhiều câu hỏi trăn trở về xây dựng tổ chức Đảng, khi mà đi cùng với việc kỷ luật ban cán sự đảng một số bộ nhiệm kỳ 2011-2016, ban thường vụ một số tập đoàn, tỉnh, thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015, thì ngoài người đứng đầu tổ chức Đảng luôn có những cán bộ lãnh đạo, cấp ủy nơi đó cũng bị kỷ luật theo. Có vụ việc, do khuyết điểm của bộ, ngành này, nhưng kéo theo cán bộ tại bộ, ngành khác và địa phương cũng bị kỷ luật.

Không chỉ là các vụ việc, những biểu hiện khác đang tồn tại ở không ít cơ quan, đơn vị như: Bè phái, né tránh trách nhiệm, tranh công đổ lỗi, đùn đẩy công việc, vòi vĩnh và trục lợi khi thực hiện nhiệm vụ được giao… đều ít nhiều làm suy yếu sức đề kháng, giảm năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng.

Tổ chức tồn tại là nhờ quy định. Quy định tạo ra kỷ cương. Khi kỷ cương bị buông lỏng, phá vỡ, thì chủ nghĩa cá nhân sẽ có đất dung dưỡng để phát triển, làm tập thể suy yếu.

“Con sâu bỏ rầu nồi canh”. Nồi canh có nhiều con sâu thì có khi không còn tác dụng cho cuộc sống nữa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đảng cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng. Sợ phê bình, tức là “quan liêu hóa”, tức là tự mãn tự túc, tức là “mèo khen mèo dài đuôi”.

Tự phê bình và phê bình làm nên bản lĩnh và sức chiến đấu để chiến thắng khó khăn, vượt lên cám dỗ. Từ đó, giúp tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Ngược lại, độ trong sạch của tổ chức Đảng vừa giúp tạo sức mạnh tập thể to lớn lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, vừa đấu tranh hiệu quả với những biểu hiện lệch lạc, suy thoái, sai phạm, giúp nội bộ tăng thêm sức chiến đấu.

Tự phê bình và phê bình là “bài thuốc” thanh lọc cho tổ chức Đảng luôn trong sạch, vững mạnh!

Bởi thế, để nâng cao năng lực lãnh đạo của một tổ chức Đảng, trước hết, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm mọi nguyên tắc, chủ trương, đường lối, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước phải được thực thi đầy đủ, nghiêm minh. Nếu như công tác tuyên truyền, giáo dục là để hiểu biết và thấm sâu, thì yêu cầu đối với công tác kiểm tra, giám sát là phải duy trì bằng được những quy định này.

Kiểm tra, giám sát với tập thể trong tổ chức, duy trì những nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Với cá nhân, nhất là với cán bộ có chức vụ, giám sát việc sử dụng quyền lực - có ý nghĩa quyết định trong duy trì kỷ luật kỷ cương tổ chức, đồng thời cũng là cách hiệu quả để ngăn chặn cá nhân sử dụng quyền lực vào mục đích riêng.

Công tác kiểm tra, giám sát cần được tiến hành qua các hoạt động của tổ chức Đảng, qua thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị. Thông qua ủy ban kiểm tra các cấp giám sát đối với tổ chức, cán bộ, đảng viên thuộc diện quy định, vừa giúp cấp trên nắm chắc tình hình, không để rơi vào thế bị động, đồng thời góp phần uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện làm sai quy định, nguyên tắc. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể là kênh giám sát hiệu quả và quan trọng nhờ huy động được sức dân mạnh mẽ vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là thước đo công khai về năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng trước nhân dân.

Đi đôi với giám sát, cần thực hiện tốt hơn việc xử lý những biểu hiện phức tạp trong tổ chức (bè phái, mất đoàn kết nội bộ…) và thay thế kịp thời cán bộ, đảng viên có chức vụ khi không còn đủ khả năng chuyên môn, uy tín trong lãnh đạo.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng được hình thành từ chính mỗi đảng viên. Vậy nên, xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh là nhiệm vụ sống còn không chỉ vì sự nghiệp của Đảng, mà còn là mệnh lệnh về trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cán bộ, đảng viên.

Mỗi tổ chức Đảng mạnh là nhờ có dân giúp sức.

Khi dân tin Đảng, Đảng sẽ mạnh hơn, sự nghiệp cách mạng ắt vượt qua mọi trở ngại để đi tới thành công.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.