(HNMO) - Đây là nội dung được đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh khi phát biểu tại hội thảo khoa học “Vận dụng sáng tạo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại” được Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức sáng nay, 22-12.
Hà Nội và trọng trách giữ “nhịp đập”
Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trình bày một hệ thống luận điểm khoa học sâu sắc, khách quan, toàn diện, thể hiện trí tuệ, tâm huyết của người đứng đầu Đảng ta về sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở đất nước ta. Nhiều năm qua, Đảng ta luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi, tiếp thu để hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bảo đảm vừa tuân thủ các quy luật khách quan, vừa phù hợp thực tiễn Việt Nam. Thực tiễn thế giới đã chứng minh, lúc nào, ở đâu, chủ nghĩa Mác - Lênin được kiên định vận dụng đúng đắn và bổ sung, phát triển sáng tạo, thì ở nơi đó, lúc đó, tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội vượt qua được những thử thách cam go, giành được nhiều thắng lợi, tiếp tục phát triển đúng hướng đi lên. Ngược lại, khi chủ nghĩa Mác - Lênin bị hiểu sai, vận dụng máy móc, giáo điều, thì tiến trình đó sẽ gặp không ít khó khăn, thậm chí thụt lùi, thất bại…
Dẫn lời phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội: "Nếu nói đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, thì Hà Nội chưa bao giờ có được quy mô, vị thế, tầm vóc và yêu cầu cao như bây giờ”, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, Thủ đô ngày nay đã trở thành đô thị lớn, có số dân đông thứ hai, đóng góp hơn 16% GDP và khoảng 17% tổng thu ngân sách của cả nước.
Hà Nội cũng là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính, là một trong những đầu tàu kinh tế, văn hóa và khoa học của cả nước; nơi diễn ra những sự kiện quan trọng nhất của đất nước; là thành phố hòa bình, cũng là “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”, nơi lan tỏa những giá trị văn hóa, phẩm chất cao đẹp của dân tộc Việt Nam ra thế giới.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Thủ đô Hà Nội, tuy chưa phải là địa phương tiên phong trên tất cả các mặt, nhưng lại là nơi có trọng trách giữ “nhịp đập” cho tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Mỗi bước đi của Hà Nội đều đã thể hiện sự vận dụng đúng đắn, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa các yếu tố: Kế thừa và phát triển, kiên định và đổi mới.
Trong sự bứt phá, vươn lên, Hà Nội còn cần giữ nhịp bước đi vững chắc để bảo đảm sự phát triển ổn định và thành công. Là trung tâm và là hạt nhân của Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hà Nội còn có vai trò quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế và thúc đẩy sự bứt phá của các địa phương trong vùng theo nguyên tắc “cùng thắng”, cùng phát triển.
Cần khơi dậy khát vọng, ý chí quyết tâm của mỗi người dân Thủ đô
Từ thực tiễn phát triển những năm qua, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, sự phát triển trong tương lai của Thủ đô cần tiếp tục hội tụ được cả ba việc lớn:
Thứ nhất, định vị tầm nhìn và mục tiêu phát triển của Hà Nội cần hội tụ với tầm nhìn và định hướng phát triển chung của đất nước. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố vừa qua đã thể hiện rõ điều này với việc xác định: Đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng cho rằng, khi đã đạt được các mục tiêu phát triển, “chất lượng cuộc sống” sẽ trở thành giá trị ngày càng quan trọng của một đô thị hiện đại hàng đầu. Vì vậy, nâng cao chất lượng cuộc sống trở thành mục tiêu quan trọng trong quản trị và điều hành của chính quyền thành phố. Suy giảm chất lượng cuộc sống ở đô thị đồng nghĩa với việc suy giảm dòng vốn đầu tư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều đó càng cho thấy ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng Thủ đô là một “thành phố đáng sống”, nơi người ta mong muốn, khao khát đến sống và làm việc, có khả năng thu hút nguồn lực lưu động trên phạm vi toàn cầu như: Đội ngũ nhân tài, các nhà đầu tư, các nhà đổi mới sáng tạo, nhóm doanh nhân, kèm theo đó là tri thức, công nghệ và nguồn vốn.
“Đây là những nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp, nâng tầm ảnh hưởng trong việc thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu, trở thành tiêu điểm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô Hà Nội”, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh.
Thứ hai, để phát huy sức mạnh tổng hợp của vùng đất linh thiêng, truyền thống thanh lịch, thành phố anh hùng và thành phố hòa bình, nơi tích tụ nhiều giá trị văn hóa, tinh thần tiên phong, nhạy bén với cái mới, Hà Nội cần khai thác hình ảnh là một trung tâm văn hóa của nền văn hiến lâu đời; coi đây là hồn cốt của diện mạo Thăng Long - Hà Nội để giới thiệu ra thế giới, góp phần thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch để thực hiện thành công trọng trách chính trị của Thủ đô.
Thứ ba, sự thống nhất, hội tụ và phát huy sức mạnh của “ý Đảng, lòng dân” - nhân tố quan trọng hàng đầu để Hà Nội vươn tới tầm cao phát triển mới. Hà Nội phải tập trung huy động trí tuệ của toàn Đảng bộ, khơi dậy khát vọng, ý chí quyết tâm của mỗi người dân Thủ đô; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, thực hiện thắng lợi định hướng và tầm nhìn phát triển Thủ đô - thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, trong đó, người dân Thủ đô là trung tâm của quá trình phát triển...
Quán triệt các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và những bài viết rất sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời gian gần đây, có thể nhận thức đầy đủ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, trong đó có thực tiễn rất phong phú và toàn diện của Hà Nội. Đây là nền tảng để Đảng ta không ngừng hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, góp phần hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, bổ sung và phát triển nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng trong giai đoạn mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.