Nông nghiệp - Nông thôn

Phát triển kinh tế dược liệu Thủ đô: “Đầu tàu” là hợp tác xã, doanh nghiệp

Bạch Thanh 05/09/2023 - 07:19

Hà Nội có tiềm năng phát triển dược liệu, kỳ vọng đây là cây trồng mới giúp nông dân làm giàu, trở thành ngành kinh tế có giá trị cao. Từ chỗ phát triển manh mún, tự phát, trên địa bàn đã hình thành nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở trồng, chế biến... từng bước xây dựng vùng dược liệu Thủ đô.

duoc-lieu.jpg
Mô hình trồng trà hoa vàng của Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) cho hiệu quả kinh tế cao.

Những đơn vị đi đầu

Hiện nay, nhu cầu dược liệu trong ẩm thực, y dược, công nghiệp… rất lớn, thúc đẩy hình thành nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật trong lĩnh vực này.

Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) là một trong những hợp tác xã bảo tồn, trồng, chế biến dược liệu phát triển bài bản, quy mô lớn. Bà Nguyễn Thanh Tuyền, Phó Giám đốc sáng lập hợp tác xã, cho biết, vùng đồi gò ở Sóc Sơn có tiềm năng lớn trồng dược liệu. Từ diện tích ban đầu 15ha (năm 2014), đến nay, hợp tác xã mở rộng lên 66ha, bảo tồn 80 loại dược liệu với nhiều dược liệu quý, như: Trà hoa vàng Hakoda, hoa lan thạch hộc tía, kim ngân hoa, bạch hoa xà, chi tử, cát sâm...

Đặc biệt, hợp tác xã mời một số chuyên gia Nhật Bản, cục, vụ, viện nghiên cứu, liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm trà thảo mộc chất lượng cao để xuất khẩu...

Tương tự, Hợp tác xã Dược liệu Hòa Phát (xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn) đang phát triển 12ha chè, dây thìa canh, kim ngân, cà gai leo. Nhờ chọn giống thuần chủng, cơ giới hóa khâu sản xuất, ứng dụng kỹ thuật thâm canh theo hướng hữu cơ, vùng dược liệu của Hợp tác xã Dược liệu Hòa Phát đã được cấp chứng nhận chuyển đổi hữu cơ, đủ tiêu chuẩn chế biến sản phẩm giá trị cao như: Trà thảo mộc, trà ướp hoa, trà hoa, các loại thảo dược túi lọc tiện dụng, gối chườm… mang lại giá trị kinh tế cao gấp 3, 4 lần so với cây trồng truyền thống khác.

Tại huyện Chương Mỹ, chia sẻ về mô hình liên kết trồng rau má, tía tô, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp GIGAHERBS Việt Nam (xã Trung Hòa) Trần Văn Nguyện chia sẻ, nhận thấy rau má, tía tô… là dược liệu phổ biến, dễ trồng, tính hữu dụng cao nên đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến sâu, xây dựng chuỗi liên kết với nông dân trong khâu trồng. Công ty đã xây dựng vùng sản xuất và khu chế biến sản phẩm thảo dược: Trà rau má, lá sen; trà rau má, tía tô; trà rau má, cà gai leo… được đánh giá cao về chất lượng.

Còn tại Ba Vì - nơi được coi là “thủ phủ dược liệu” của Thủ đô, theo ông Lương Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Ba Vì (huyện Ba Vì), vùng núi Ba Vì có hơn 500 loài cây dược liệu với hơn 300 hộ kinh doanh dịch vụ thuốc Nam. Trên địa bàn hiện có nhiều hợp tác xã dược liệu trồng, chế biến hiệu quả như mô hình Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn. Hợp tác xã này đầu tư nhà máy sản xuất dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP với sự hỗ trợ của các đơn vị nghiên cứu khoa học về dược liệu.

Phát huy vai trò hợp tác xã, doanh nghiệp

Tuy nhiên, việc phát triển vùng dược liệu quy mô lớn, thay thế một số cây trồng kém hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng. Toàn thành phố mới có gần 1.000ha cây dược liệu các loại.

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng nhận định, nguồn lực để các hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển dược liệu trên địa bàn rất lớn. Tuy nhiên, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao nên chưa thực sự nâng cao năng suất, chất lượng dược liệu. Muốn phát triển ngành kinh tế dược liệu vững chắc cần dựa vào người dân để hình thành các chuỗi giá trị, vùng trồng trọng điểm bởi người dân địa phương có kinh nghiệm trồng dược liệu bản địa; doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư ứng dụng công nghệ, kỹ thuật chế biến, bao tiêu sản phẩm…

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Thản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua - một trong những đơn vị đang xây dựng vùng trồng gắn với chế biến dược liệu cao cấp chia sẻ, khoa học có nhiều nghiên cứu về tính ứng dụng của dược liệu Việt Nam, trong khi đó, Hà Nội và vùng lân cận có tiềm năng phát triển vùng dược liệu. Để phát triển kinh tế dược liệu bền vững cần vai trò của nông dân sản xuất tốt, doanh nghiệp đầu tư công nghệ, chế biến sâu, hình thành sản phẩm tốt.

Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm chế biến sâu từ dược liệu trong nước không thua kém sản phẩm nhập khẩu, qua đó hình thành kinh tế dược liệu xứng tầm...

Mặt khác, muốn có vùng nguyên liệu dược liệu tốt, hạn chế manh mún thì chính sách đất đai cần thay đổi. Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội Nguyễn Tiến Phong đề xuất, để thúc đẩy hình thành các vùng dược liệu chất lượng cao, đòi hỏi cơ quan chức năng sớm sửa đổi Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai. Luật Lâm nghiệp cho phép phát triển kinh tế dưới tán rừng thì mới phát triển được kinh tế dược liệu. Thực tế, khả năng tiếp cận đất đai của người dân, hợp tác xã trong phát triển vùng nguyên liệu dược liệu còn khó khăn do vướng mắc trong Luật Đất đai.

Về lâu dài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, ngành tiếp tục cùng các đơn vị rà soát, điều chỉnh cơ sở pháp lý để người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển dược liệu thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh, liên kết; đồng thời xây dựng được mô hình liên kết chặt chẽ “bốn nhà”: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế dược liệu Thủ đô: “Đầu tàu” là hợp tác xã, doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.