(HNM) - Cùng với việc nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong mọi tình huống, lực lượng vũ trang Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội còn chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Bằng những việc làm thiết thực, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân...
Lực lượng vũ trang huyện Gia Lâm giúp dân làm đường giao thông tại thôn 4, xã Trung Mầu. Ảnh: Hoàng Hải |
Không khí lạnh tăng cường, trời mưa phùn khiến thời tiết càng thêm lạnh. Nhưng ngay từ sáng sớm, cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện Gia Lâm vẫn triển khai các công việc theo kế hoạch, đó là đổ bê tông đoạn đường dài hơn 100m để nhân dân thôn 4, xã Trung Mầu đi lại thuận tiện. Thượng tá Nguyễn Trọng Yêm, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Gia Lâm cho biết: Đây là công trình của đơn vị chào mừng kỷ niệm 45 năm “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” nên chúng tôi quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ”.
Cùng với việc hỗ trợ ngày công, cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện còn hỗ trợ nguyên vật liệu trị giá hơn 40 triệu đồng để làm đường. Anh Nguyễn Văn Hòa, người dân thôn 4, vừa làm cùng bộ đội, vừa vui vẻ nói: “Ngày trước, đây là đường đất, thường xuyên bị ngập nước mỗi khi trời mưa. Nay được các anh bộ đội làm lại, đường trở nên sạch sẽ, cao ráo”. Được biết, từ năm 2012 đến nay, lực lượng vũ trang huyện Gia Lâm đã phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn huy động hơn 1.000 ngày công, làm 10 đoạn đường liên thôn cho các xã của huyện.
Những ngày đầu tháng 12 này, người dân xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) không khỏi xôn xao khi có người đánh cá phát hiện dưới lòng sông Tích, thuộc khu vực xóm Giáo có một quả tên lửa. Nhận được tin, cán bộ Phòng Công binh (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) nhanh chóng phối hợp với Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh) và Quân chủng Phòng không - Không quân về địa phương nắm tình hình. Phương án trục vớt tên lửa được triển khai. Sau gần 3 ngày tích cực thực hiện các phần việc, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Công binh 544 (Bộ Tư lệnh Thủ đô) cùng các đơn vị liên quan đã đưa được quả tên lửa lên bờ, mang đi tiêu hủy an toàn, giúp người dân yên tâm.
Cùng với công tác dân vận, giúp người dân xây dựng nông thôn mới, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô còn chủ động triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn và sẵn sàng có mặt khi nhận được lệnh.
Luôn xác định cứu hộ, cứu nạn là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” nên một trong những khâu đột phá của cán bộ, chiến sĩ Đại đội Phòng cháy, chữa cháy, phòng hóa (Bộ Tư lệnh Thủ đô) năm 2017 là chú trọng huấn luyện nghiệp vụ, sử dụng thiết bị, phương tiện thuần thục, sẵn sàng tham gia ứng cứu các vụ hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn thành phố. Trên thao trường của đơn vị trong những ngày đông lạnh, các cán bộ, chiến sĩ vẫn miệt mài tập luyện.
Đại úy Phạm Công Huynh, Đại đội trưởng Đại đội Phòng cháy, chữa cháy, phòng hóa cho biết: “Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã huy động gần 100 lượt cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện tham gia chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn 7 vụ. Để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, công tác huấn luyện luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu, trong đó chú trọng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng trung đội, từng bộ phận”.
Tùy theo nhiệm vụ, chức năng của mình, mỗi cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đều xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động, kết nghĩa với địa bàn nơi đóng quân nhằm tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó quân - dân. Trung tướng Nguyễn Thế Kết, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: “Cái được lớn nhất của chúng tôi là được nhân dân chia sẻ và tin tưởng. Mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn xác định mình là người của địa phương, người thân trong mỗi gia đình, vui với niềm vui của người dân và sẵn sàng chia sẻ khó khăn, hoạn nạn với bà con. Tất cả những việc chúng tôi làm đều với mong muốn, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc và cùng với chính quyền, bộ đội xây dựng Thủ đô ngày càng giàu mạnh”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.