(HNM) - TP Hồ Chí Minh quyết tâm trở thành
Không còn ùn tắc giao thông…?
Theo các chuyên gia, có 8 vấn đề đặt ra cho TP Hồ Chí Minh thời gian tới gồm: Phát triển thành phố theo hướng hiện đại hóa, công nghệ cao; Không gian đô thị kết nối hạ tầng tối ưu; Xây dựng thành trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu, phát triển; Định hướng quy hoạch phát triển đô thị vùng theo “chùm” và “chuỗi”; Giao thông kết nối tốt các tọa độ quốc tế; Xây dựng thành trung tâm “khởi nghiệp”; Xây dựng thể chế chính quyền đô thị; Tạo lập lực lượng doanh nghiệp mạnh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, TP Hồ Chí Minh phải trở thành một "thành phố thông minh".
TP Hồ Chí Minh đã ứng dụng nhiều bảng điều khiển thông minh trong hoạt động giao thông. |
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - Đơn vị đề xuất đề án phát triển "thành phố thông minh", trái tim của hệ thống "thành phố thông minh" là trung tâm điều khiển với các phòng chức năng khác nhau. Điểm nhấn của trung tâm là một hệ thống màn hình ghép lớn cho phép theo dõi toàn bộ hoạt động của hệ thống, người quản trị có thể sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng để điều khiển các thành phần và dữ liệu cần hiển thị. Dữ liệu này được kết nối với các trung tâm cơ sở dữ liệu liên quan của các cơ quan quản lý nhà nước, giúp cho cơ quan chức năng quản lý và điều hành.
Ông Tuấn dẫn chứng: Khi xảy ra ùn tắc giao thông tại một khu vực nào đó, hệ thống camera tại các khu vực lân cận nhanh chóng cung cấp thông tin để người điều khiển phương tiện có sự lựa chọn phù hợp, tránh điểm ùn tắc. Bên cạnh đó, dữ liệu sẽ được phân tích và cung cấp trên các bản hiển thị thông tin chỉ dẫn được lắp đặt trên đường và điều khiển hệ thống đèn giao thông. Người lái xe có thể tự thiết lập lộ trình và theo dõi thông tin trực tuyến khi di chuyển để có thể điều chỉnh lộ trình nếu cần thiết.
Ngoài ra, hệ thống trợ giúp giao thông công cộng được xây dựng từ các ứng dụng trên di động và các thiết bị đặt tại trạm xe buýt. Trên ứng dụng di động, người dùng có thể tạo lập điểm đi và điểm đến để xác định lộ trình, kế hoạch. Tại mỗi địa điểm dừng để thay đổi phương tiện hoặc thay đổi tuyến, hành khách đều có thể nhận được thông tin cập nhật trực tuyến để lựa chọn lộ trình tiếp theo.
Song song đó, hệ thống phòng chống tội phạm và hỗ trợ khẩn cấp được triển khai tại một số khu vực ít người qua lại, các hệ thống camera ở đây có khả năng giám sát đa chiều cả ngày và đêm. Khi xảy ra sự cố, người dân có thể bấm phím khẩn cấp trên cột, hệ thống sẽ kích hoạt loa báo động và hình ảnh từ camera có thể được truyền theo thời gian thực đến cảnh sát.
Cần sự phản biện từ nhiều phía
Trước những giải pháp mà VNPT đưa ra, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh thẳng thắn cho rằng: Nếu triển khai xây dựng "thành phố thông minh" thì đề án cần phải thực tế hơn. Cụ thể, phải xây dựng đề án dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp và phải hỗ trợ đắc lực cho cơ quan chức năng thành phố trong việc thực thi, giám sát, điều hành;… Cũng theo ông Hỷ, trước khi triển khai xây dựng đề án, phải tổ chức lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp, bởi đây là đối tượng chính chịu tác động, thụ hưởng đề án.
Còn theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh, phần lớn các chốt đèn tín hiệu giao thông hoạt động độc lập, chưa áp dụng giải pháp điều khiển giao thông thông minh theo lưu lượng và tình hình giao thông thực tế. Thành phố và đơn vị cần xây dựng đề án "thành phố thông minh" thực sự hoàn chỉnh trước khi triển khai thực hiện.
Trước những băn khoăn trên, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định: Xây dựng "thành phố thông minh" là yêu cầu cấp bách đối với một thành phố có dân số gia tăng nhanh và đòi hỏi tốc độ phát triển kinh tế nhanh như TP Hồ Chí Minh. Thành phố sẽ tận dụng tích hợp những dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin có sẵn hiện đã được từng ngành xây dựng. Trước mắt, xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cho tất cả các lĩnh vực, bởi hiện cơ sở dữ liệu tổng hợp của thành phố còn yếu kém, hạn chế.
Để làm được điều này, TP Hồ Chí Minh xác định 4 mục tiêu cơ bản để xây dựng "thành phố thông minh" từ nay đến năm 2025, gồm: Thúc đẩy phát triển kinh tế; Bảo đảm môi trường sống tốt hơn; Người dân và doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn; Người dân tham gia quản lý, giám sát chính quyền. Trước mắt, thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo xây dựng "thành phố thông minh" do Bí thư Thành ủy đứng đầu và thành lập Ban điều hành xây dựng đề án do Chủ tịch UBND thành phố đứng đầu.
VNPT đề xuất triển khai "thành phố thông minh" tại TP Hồ Chí Minh theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin như mạng băng rộng, di động 4G, triển khai toàn diện chính quyền điện tử, văn phòng điện tử; Xây dựng trung tâm dữ liệu đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn của một trung tâm vùng; Chuyển giao nền tảng tích hợp lên trung tâm dữ liệu; Triển khai các dịch vụ thông minh, trong đó chú trọng chủ yếu vào chính quyền điện tử, giao thông thông minh, y tế, an sinh xã hội thông minh, giáo dục thông minh. Giai đoạn 2, tiếp tục triển khai các dịch vụ trên nền tảng đã xây dựng, giải quyết các thách thức mới. Giai đoạn 3, định hướng đến năm 2025 xây dựng thành phố ngày càng thông minh theo định hướng của Chính phủ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.