(HNM) - Hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa theo chủ đề "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động cũng như hưởng ứng Ngày Du lịch thế giới (27-9) với thông điệp "Du lịch và phát triển nông thôn", ngày 23-9, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo trong phát triển du lịch Hà Nội”. Tại buổi tọa đàm, nhiều xu hướng du lịch mới của Thủ đô đã được đưa ra, giúp các đơn vị, doanh nghiệp định hình rõ hơn trong xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn của Hà Nội.
Xu hướng mới của du lịch Thủ đô
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp du lịch Hà Nội tìm giải pháp phù hợp trong triển khai kích cầu du lịch Hà Nội lần 2. Việc tạo ra sản phẩm du lịch mới không chỉ dựa trên những điều kiện, tiềm năng sẵn có của Hà Nội mà còn tìm ra xu hướng du lịch mới phù hợp với tâm lý, sở thích của khách nội địa sau dịch.
Đánh giá về xu hướng du lịch của Hà Nội sau dịch Covid-19, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, bên cạnh khó khăn thì tác động của dịch Covid-19 cũng giúp cho du lịch có được bài học về việc cân bằng giữa khách nội địa và quốc tế. Xu hướng du lịch cũng có sự thay đổi lớn, người dân có nhu cầu nghỉ dưỡng tại chỗ để bảo đảm sự an toàn và sức khỏe.
“Lúc này, thị trường du lịch Hà Nội cần tập trung vào những dòng sản phẩm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Trong đó, cần đẩy mạnh hoạt động khai thác những khu nghỉ dưỡng tắm khoáng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề ở ngoại thành… Ngoài ra, Hà Nội có thể khai thác dòng sản phẩm du lịch kết hợp với thể thao, như: Đạp xe, leo núi, chạy bộ”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long cho biết thêm.
Theo Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững Nguyễn Thu Hạnh, với các biện pháp phòng, chống dịch như hiện nay, Hà Nội hoàn toàn có thể phát triển thêm dòng sản phẩm “du lịch cách ly”. Sản phẩm này sẽ dành riêng cho những du khách thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội. “Các cơ sở lưu trú cần tạo ra sản phẩm du lịch mới mang tính trải nghiệm, để du khách cách ly có thể du lịch tại chỗ”, bà Nguyễn Thu Hạnh nói.
Tăng cường liên kết, hợp tác
Để thích nghi với tác động của dịch Covid-19, nhiều điểm đến của Hà Nội đã sẵn sàng “tung” ra sản phẩm mới, độc đáo, bước đầu thu hút du khách. Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Nguyễn Văn Tú cho biết, đơn vị chuẩn bị đưa vào khai thác sản phẩm giới thiệu lịch sử Văn Miếu bằng công nghệ 3D. Trong khi đó, bà An Thu Trà, Phó Trưởng phòng Trưng bày truyền thông công chúng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thông tin, đơn vị đã xây dựng sản phẩm trung thu dành cho học sinh và sản phẩm “Khám phá mùa thu” dành cho du khách phương xa. Hiện tại, cả hai sản phẩm này đang thu hút du khách. Tuy nhiên, để thu hút công chúng, ngoài khâu quảng bá vẫn cần đến sự hợp tác của các đơn vị lữ hành.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, điểm yếu trong mắt xích xây dựng sản phẩm du lịch mới của Hà Nội là thiếu tính liên kết giữa các điểm đến cũng như sự đồng bộ của dịch vụ. “Các di tích vốn có giá trị lịch sử, văn hóa riêng, nhưng để biến nó thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thì cần phải thêm “gia vị”, đó là tăng tính trải nghiệm, tính trình diễn để thu hút du khách. Ngoài ra, các điểm du lịch cần được kết nối bằng hệ thống giao thông công cộng thuận lợi”, ông Phùng Quang Thắng đề xuất.
Đóng góp thêm ý kiến cho việc tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo và mang tính bền vững của Hà Nội, Giám đốc Công ty Vietravel - Chi nhánh miền Bắc Phạm Văn Bảy lưu ý, ngoài việc tạo ra sản phẩm hấp dẫn, yếu tố dịch vụ, thái độ phục vụ của những người làm du lịch cũng mang yếu tố quyết định. Bởi, lúc này chưa thể hy vọng khách đông trở lại, vì vậy, các đơn vị cần giữ thái độ kiên trì khi phục vụ du khách, đồng thời xây dựng những gói sản phẩm dành cho số lượng khách ít.
Du lịch Hà Nội đang vào mùa cao điểm là lợi thế để Hà Nội triển khai thực hiện kích cầu du lịch lần 2 cũng như hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động. Nhiều sản phẩm du lịch mới của Hà Nội đã hình thành và đang được các đơn vị đưa vào khai thác. "Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ liên kết với các đơn vị tổ chức các đoàn khảo sát, xúc tiến du lịch tại các địa phương của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác để tăng tính kết nối, nhằm thu hút khách đến với Hà Nội nhiều hơn", Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu thông tin thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.