Công nghiệp văn hóa

Xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc sắc, hấp dẫn

Thụy Du ghi 15/12/2023 17:46

Hội thảo khoa học Nhiệm vụ: “Nghiên cứu xác định một số sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa Thủ đô cần ưu tiên phát triển trong tình hình mới” do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tổ chức ngày 15-12, ghi nhận nhiều ý kiến, tham luận thiết thực, gợi mở việc xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc sắc, hấp dẫn cho Hà Nội.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa - xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam):
Ưu tiên sản phẩm độc đáo, hấp dẫn, độc bản

img_6637.jpg

Để xác định được sản phẩm công nghiệp văn hóa Thủ đô ưu tiên phát triển thì cần phân biệt sản phẩm công nghiệp văn hóa khác với các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp như thế nào. Sản phẩm công nghiệp văn hóa phải có tính nghệ thuật, độc đáo, hấp dẫn, thậm chí độc bản. Từ đó, các cơ quan, đơn vị chức năng xây dựng Bộ tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Theo tôi, Hà Nội nên ưu tiên phát triển những sản phẩm công nghiệp văn hóa liên quan đến âm nhạc, mỹ thuật. Vì đây là hai lĩnh vực không bị rào cản ngôn ngữ, dễ thu hút và hấp dẫn nhiều đối tượng công chúng. Hiện nay, chúng ta có nhiều sản phẩm âm nhạc mà cả thế giới yêu thích và sử dụng, như bài “Ghen Covy” ra đời trong thời gian dịch bệnh. Còn mỹ thuật, chúng ta có nhiều thế hệ họa sĩ tài năng, nổi danh khắp thế giới; có nghệ thuật sơn mài độc đáo, ấn tượng. Xây dựng những sản phẩm, dịch vụ liên quan đến việc thưởng lãm tác phẩm nổi tiếng, hoặc xuất khẩu tác phẩm mỹ thuật chất lượng hứa hẹn rất triển vọng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Quyên, giảng viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội:
Huy động các nguồn lực tạo nên sản phẩm công nghiệp văn hóa giá trị

img_6648.jpg

Sản phẩm công nghiệp văn hóa phải thể hiện được tính sáng tạo, bởi vì công nghiệp văn hóa chính là một trong những nhóm ngành thuộc công nghiệp sáng tạo. Một sản phẩm công nghiệp văn hóa phải hội tụ được hai yếu tố đó là tính nghệ thuật và tính thương mại thì mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và tạo nên động lực phát triển cho từng địa phương, cũng như từng quốc gia.

Để tạo nên được sản phẩm công nghiệp văn hóa hoàn thiện, còn phải có các chính sách hỗ trợ. Chúng ta đã có chiến lược tổng thể quốc gia, nên trên cơ sở đó, mỗi địa phương phải chọn những sản phẩm văn hóa phù hợp với nhu cầu, lợi thế và đặc biệt đặt trong bối cảnh mà các địa phương trên cả nước và các quốc gia trên thế giới đều coi công nghiệp văn hóa là lĩnh vực trọng tâm tạo nên động lực phát triển.

Tôi nghĩ rằng, Hà Nội đang thể hiện quyết tâm lớn trong việc phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô thông qua nhiều hoạt động thiết kế sáng tạo, hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu chuyên sâu. Tuy nhiên, thành phố cần đầu tư, huy động nhân lực tài năng để phát triển công nghiệp văn hóa, từ đội ngũ quản lý đến các nghệ nhân, nghệ sĩ có tài năng sáng tạo sản phẩm đặc biệt và nhân lực ở các các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học. Trường Đại học Ngoại thương cũng đã thành lập Viện Nghiên cứu sáng tạo và chúng tôi hy vọng trong thời gian tới có thể phối hợp với Hà Nội để tạo nên những sản phẩm công nghiệp văn hóa giá trị và đem lại ý nghĩa cho cộng đồng.

Nhạc sĩ Quốc Trung, người sáng lập và tổng đạo diễn Monsoon Music Festival – thương hiệu nghệ thuật của Hà Nội:
Cần cơ chế để tạo sản phẩm công nghiệp văn hóa có tính đột phá

img_6650.jpg

Các sản phẩm văn hóa của Hà Nội hiện nay đứng trước nhiều khó khăn để trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa. Ở các quốc gia có công nghiệp văn hóa phát triển, mỗi sản phẩm văn hóa đều được đầu tư, chuẩn bị trong 3-5 năm, trong khi ở Hà Nội, nhiều sản phẩm chỉ được dành vài ngày hoặc vài tháng là ra mắt. Như Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa – một thương hiệu nghệ thuật thường niên của Thủ đô, cũng chỉ xin được chủ trương trước 3-4 tháng và được cấp phép diễn ra trước khai màn vài ngày. Như thế, thời gian chuẩn bị, nung nấu, tạo nên sản phẩm trọn vẹn quá khiêm tốn.

Muốn thực hiện công nghiệp văn hóa, chọn được sản phẩm cho phát triển công nghiệp văn hóa mang tính đột phá, đáp ứng nhu cầu của người thụ hưởng, khiến khách hàng dù đi thật xa, bỏ tiền thật nhiều vẫn sẵn sàng thì ngoài nỗ lực của những người sáng tạo, cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, tạo điều kiện từ các cấp, ngành, địa phương. Phát triển công nghiệp văn hóa là nhu cầu của mọi người, mọi cấp, ngành, địa phương và đem lại lợi ích cho toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc sắc, hấp dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.