(HNM) - Với gần 70% dân số ở nông thôn, 23 triệu lao động nông nghiệp,
Trên dưới đồng lòng
5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cả nước đã có 1.298 xã đạt chuẩn NTM, mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 24,4 triệu đồng/người/năm; hàng nghìn mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hiệu quả đã mang đến một diện mạo mới cho các vùng nông thôn cả nước. Ông Hồ Xuân Hùng, cố vấn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho biết: Thông qua chương trình, cái được lớn nhất chính là sự đồng lòng của người dân và cả hệ thống chính trị. Chương trình xây dựng NTM đã nhận được sự đồng thuận cao nhất. Mức độ tham gia của người dân đạt cao hơn hẳn so với 15 chương trình mục tiêu quốc gia khác. Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã huy động được khoảng 851.000 tỷ đồng đầu tư cho NTM. Nhờ vậy, hạ tầng nông thôn có sự thay đổi nhanh chóng, tạo thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế - xã hội.
Cam Canh, một loại cây đặc sản cho giá trị kinh tế cao tại xã Kim An, huyện Thanh Oai. Ảnh: Bá Hoạt |
Tại Hà Nội, trong 5 năm qua, tổng kinh phí đầu tư cho NTM đạt hơn 26.398 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 4.043 tỷ đồng, chưa kể hàng nghìn mét vuông đất và hàng chục nghìn ngày công lao động. Nguồn vốn đầu tư lớn đã tác động mạnh đến việc nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM. Đến nay, không tính huyện Từ Liêm (cũ), toàn thành phố đã có 201/386 xã đạt chuẩn NTM (đạt 52,07%); 185 xã còn lại, tiêu chí đạt đều ở mức cao - 10 đến 18 tiêu chí. Ông Đỗ Đình Mân, xã Đông Phương Yên (Chương Mỹ) cho hay, từ khi xây dựng NTM, nhận thức của nhân dân được nâng lên, nhất là ý thức văn hóa cộng đồng, bảo vệ môi trường, chỉnh trang nhà ở, người dân tham gia mạnh mẽ vào quá trình xây dựng NTM.
Nhiệm vụ quan trọng
Tuy vậy, nhìn nhận một cách tổng thể, kết quả đạt được vẫn chưa đồng đều giữa các vùng miền. Ở một số nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đời sống của một bộ phận nông dân vẫn còn khó khăn. Xây dựng NTM vẫn tồn tại nhiều vấn đề như: Quy hoạch sản xuất vẫn chưa trúng, tái cơ cấu nông nghiệp, rút bớt lao động chuyển sang phi nông nghiệp còn hạn chế; chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (theo Quyết định 1956 của Chính phủ) vẫn đang làm theo kiểu "hành chính, bao cấp", chưa đúng với nguyện vọng của người nông dân và người sử dụng lao động; nguồn lực xây dựng NTM còn hạn chế; nhiều địa phương, do dồn lực để xây dựng NTM dẫn đến nợ đọng nhiều; công trình đầu tư không sát với thực tế nên không phát huy hiệu quả…
Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm tới, văn kiện của Đại hội XII đã xác định rõ "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế", trong đó tiến hành "Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng NTM" là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện. Trong suốt những ngày diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, vấn đề "tam nông" luôn nhận được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhiều ý kiến bày tỏ nguyện vọng, cần có những chính sách thúc đẩy phát triển tam nông trong chặng đường mới. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: "Rất cần nỗ lực to lớn hơn, thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn để cải thiện đời sống người dân".
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cả nước phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020 có 50% số xã đạt chuẩn NTM. Để thực hiện được mục tiêu này, dứt khoát phải cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và nâng cao đời sống nông dân. Sản xuất nông nghiệp cần được coi trọng hàng đầu, qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân. Để làm được điều đó, cần có chính sách về khoa học công nghệ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư ngày càng nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn cũng như có các giải pháp phù hợp để phát triển các hợp tác xã nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.