Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng nông thôn hiện đại, bền vững, xứng với Thủ đô 1000 tuổi

Trịnh Thế khiết| 11/10/2010 06:44

(HNM) - 80 năm son sắt theo Đảng, nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, những "chủ nhân đồng quê" ở Thủ đô Hà Nội góp phần hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.

Gần 25 năm đổi mới, nông dân (ND) đã và đang giữ vai trò xung kích, làm chủ nông thôn mới, xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, xứng đáng với vị thế một Thủ đô 1000 tuổi, Văn hiến và Anh hùng. Chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hơn 4 triệu ND Thủ đô đã bằng tâm và sức, đoàn kết xây dựng tổ chức hội vững mạnh và là người "thêu" nên bức tranh nông thôn mới với những sắc màu no ấm.

Khẳng định vị thế

Hội Nông dân TP Hà Nội có 24 hội nông dân huyện, quận, thị xã với 474 cơ sở hội, gồm 527.834 hội viên (đạt tỷ lệ 87% so với tổng số hộ nông nghiệp). Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp; Nghị quyết số 26 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) và Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hơn 4 triệu ND Thủ đô đã phát huy truyền thống, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước khẳng định được vị thế của mình, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế chung của Hà Nội giai đoạn 2005-2010 đạt bình quân 10,2%/năm (trong đó tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 1,75%/năm). Riêng năm 2010, giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản ước đạt 100 triệu đồng/ha canh tác. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại huyện Thanh Oai cho hiệu quả kinh tế cao.  Ảnh: Bá Hoạt

Chú trọng đổi mới cả về nội dung, hình thức và biện pháp tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, những năm qua các cấp hội đã lồng ghép các nội dung, chỉ tiêu phong trào thi đua ND sản xuất, kinh doanh giỏi với các cuộc vận động, các phong trào của địa phương. Tiêu biểu là phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Thông qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình cho tinh thần lao động sáng tạo, cần cù. Cũng từ phong trào đã hình thành nên vùng chuyên canh tập trung 3 cây gồm cây rau, cây hoa, cây ăn quả và 3 con là lợn siêu nạc, bò sữa, thủy sản. Nhiều vùng sản nông nghiệp hàng hóa chuyên canh cũng từ đó xuất hiện như vùng chuyên rau ở Gia Lâm, Hoàng Mai, Thanh Trì; vùng trồng cây ăn quả ở Từ Liêm, Đan Phượng, Thanh Oai; hoa, cây cảnh ở Từ Liêm, Tây Hồ; chăn nuôi ở Chương Mỹ, Ba Vì, Đan Phượng... Các mô hình đã tạo nên sắc thái riêng cho đồng quê ngoại thành Thủ đô. Đến nay, trên địa bàn các huyện ngoại thành đã có hơn 300 mô hình kinh tế đạt giá trị trên 100 triệu đồng/ha/năm như mô hình chăn nuôi lợn sạch ở Tân Ước (Thanh Oai), Cổ Đông (Sơn Tây); trang trại VAC ở Đông Anh, Phú Xuyên; trồng rau an toàn ở Lĩnh Nam (Hoàng Mai), Thọ Xuân (Đan Phượng).

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã trở thành nơi để thực hiện ý chí, quyết tâm và khát vọng vươn lên làm giàu của nhiều hội viên ND. Tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2007-2009, đã có 290.631 đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi ở cả 4 cấp.

Chú trọng chất lượng nhân lực

Cũng như các địa phương trong cả nước, hiện nay, nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Thủ đô đang đối diện với không ít thử thách. Thứ nhất, lực lượng ND trực tiếp sản xuất nông nghiệp ngày càng ít; thứ hai, kiến thức khoa học, kỹ thuật (KHKT) phục vụ sản xuất, công nghệ thông tin, kinh doanh của họ chưa được trang bị nhiều. Việc trẻ hóa lực lượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp cả về sức khỏe và kiến thức để tạo tiền đề cho xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững trong những năm tới là cần thiết. Vì thế, nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho ND được Hội ND Hà Nội coi là nhiệm vụ quan trọng, là một trong những khâu đột phá. Hội đã chỉ đạo hội ND các cấp tập trung vào công tác tập huấn chuyển giao KHKT cho ND. Theo đó, mỗi năm các cấp hội đã liên kết, phối hợp mở hàng nghìn lớp tập huấn cho hàng vạn hội viên. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2010, các cấp Hội ND Hà Nội đã phối hợp tổ chức được trên 2.000 lớp chuyển giao KHKT trong sản xuất cho ND, trong đó tập trung vào sản xuất rau an toàn, nuôi trồng thủy sản, cách sử dụng phân bón... Qua đó, không chỉ giúp ND nâng cao được kiến thức trong sản xuất, kinh doanh mà còn giúp họ áp dụng những kiến thức đã học vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi.

Hiện nay, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn đang được mở rộng với nhiều cơ hội rất lớn. Vì vậy, việc các cấp hội phải làm là tham gia chuyển dịch cơ cấu lao động, quan tâm đến chất lượng lao động, phối hợp thực hiện tốt công tác khuyến nông. Để giải quyết khâu này, Hội ND Hà Nội đã chú trọng công tác đào tạo, dạy nghề cho ND, nhất là ND ở nơi dành đất phát triển công nghiệp như Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn... đi đôi với giải quyết tốt an sinh xã hội. Theo đó, nhiều ngành nghề mới như mây, tre đan xuất khẩu, làm chổi chít, thêu ren, đặc biệt là các nghề nông nghiệp như trồng hoa, cây cảnh, rau an toàn... đã được nhân cấy ở các địa phương chưa có nghề thu hút đông lao động nông nghiệp tham gia.

Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn 2010-2015, Hội ND Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng và thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với các cuộc vận động của hội và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua; củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện, thực hiện tốt vai trò nòng cốt cho phong trào ND và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Với vai trò là nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, các cấp hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp hội tiếp tục nêu cao vai trò đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân, góp phần xây dựng Thủ đô phát triển toàn diện, bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn hiện đại, bền vững, xứng với Thủ đô 1000 tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.