Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng nhà vệ sinh ở trường học: Công trình phụ - Nhiệm vụ chính

Thống Nhất| 18/10/2016 06:53

(HNM) - Năm học 2016-2017, một điểm khác biệt so với những năm học trước đối với Ngành Giáo dục Thủ đô là ở việc tổng rà soát, cải tạo và xây dựng toàn bộ nhà vệ sinh (NVS) ở các trường bảo đảm theo tiêu chuẩn.


Hơn 8% trường học chưa có nhà vệ sinh

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2016-2017, tổng số trường học mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn thành phố là 2.622 trường. Tuy nhiên, tổng số NVS hiện có ở các trường mới là 2.423. Như vậy, còn khoảng hơn 8% số trường học chưa có NVS phục vụ giáo viên và HS. Nếu theo quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế trường học, thì số lượng NVS trường học còn thiếu nhiều. Chẳng hạn, đối với cấp trung học, yêu cầu thiết kế được quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam ban hành năm 2011, do Bộ Khoa học - Công nghệ công bố (gọi tắt là TCVN 8794:2011), khu vệ sinh của HS cần được thiết kế với tiêu chuẩn diện tích tối thiểu 0,06m2/HS; số lượng thiết bị tối thiểu tương ứng là 1 tiểu nam, 1 chậu xí và 1 chỗ rửa tay cho 30 HS nam; đối với nữ tối đa 20 HS/chậu xí. Ngoài ra, tại TCVN 8794:2011 còn quy định mỗi trường học phải có ít nhất một phòng vệ sinh dành cho HS khuyết tật. Chiểu theo những quy định này thì các trường học, nhất là ở khu vực nông thôn còn thiếu không ít NVS cho HS bình thường và NVS cho HS khuyết tật thì hầu như chưa có.

Không chỉ thiếu NVS, tình trạng NVS mất vệ sinh ở các trường học khá phổ biến. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2015-2016 do Bộ GD-ĐT tổ chức vào ngày 5-8-2016, một trong những vấn đề quan trọng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập và yêu cầu Ngành GD-ĐT quan tâm, đó là phải xây dựng đủ NVS đạt tiêu chuẩn cho HS. Phó Thủ tướng cũng cho biết, qua nhiều lần đi khảo sát tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đều thấy không yên lòng, vì NVS cho các cháu quá bẩn.

Câu chuyện NVS trường học không hiếm lần trở thành đề tài “nóng” của phụ huynh HS. “Con tôi nhiều lần đi học về chỉ kịp thả cặp xuống đất là cuống cuồng chạy vào NVS. Cháu nói NVS ở trường mùi hôi, thối quá, mỗi lần muốn vào là nín thở, nên thường cố gắng nhịn chờ khi về nhà. Nhiều bạn không nhịn được còn tè bậy ngay ở cổng trường hoặc các gốc cây, ngõ khuất cạnh trường” - chị Mai Thị Kim Tình, phụ huynh HS một trường tiểu học ở huyện Gia Lâm bức xúc.

Cho môi trường học đường an toàn, thân thiện, sạch sẽ...

Ngày 13-9-2016, tại văn bản triển khai kế hoạch sau hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chính thức giao nhiệm vụ cho Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã rà soát toàn bộ hệ thống vệ sinh của các trường tiểu học, THCS công lập trên địa bàn và xây dựng đề án cải tạo, sửa chữa.

Theo Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Viết Cẩn, liên Sở GD-ĐT, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư đã xây dựng tờ trình UBND thành phố kế hoạch xây dựng và cải tạo NVS trường học giai đoạn 2016-2020. Trong giai đoạn này, Hà Nội sẽ tập trung cải tạo gần 2.800 NVS chưa đạt chuẩn, với tổng kinh phí dự kiến gần 400 tỷ đồng, chưa tính số NVS cần xây mới ở những nơi còn thiếu. Mầm non là cấp học có số lượng NVS cần cải tạo nhiều nhất (gần 1.500 NVS), kinh phí chiếm hơn 50% tổng kinh phí cần đầu tư cải tạo NVS của toàn thành phố. Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình vệ sinh, nước sạch sẽ được thành lập ở các cấp, trong đó cấp quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai tại địa bàn mình theo tháng, quý để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh, bảo đảm tiến độ chung.

Trưởng phòng GD-ĐT quận Long Biên Lưu Thị Bích Hằng cho biết, kinh phí đầu tư cho xây dựng, cải tạo và đầu tư trang thiết bị trường học hằng năm khoảng 450 tỷ đồng, chiếm 40% tổng ngân sách đầu tư của quận. Năm 2016, UBND quận đã ban hành thông tri về thực hiện năm trật tự văn minh đô thị, riêng khối trường học có nội dung xây dựng trường học sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện. Trong đó, việc xây dựng, bảo trì NVS trường học là một trong những nội dung quan trọng. Đề án phát triển mạng lưới quận Tây Hồ giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu xây dựng thêm gần 10 trường công lập, xác định rõ lộ trình, hạng mục cụ thể cần bổ sung, cải tạo của từng trường và không quên nhiệm vụ chính là cải tạo, xây mới công trình phụ theo tiêu chuẩn quy định của từng cấp học. Tổng kinh phí đầu tư cho các trường trong giai đoạn này gần 600 tỷ đồng.

Việc cải tạo, xây dựng NVS trường học trên địa bàn thành phố thời gian tới sẽ được triển khai theo hình thức xã hội hóa. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ xây dựng Đề án cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới hệ thống vệ sinh, tùy theo mức độ, yêu cầu của từng đơn vị cụ thể, ưu tiên triển khai ở cấp học mầm non, những trường tổ chức học 2 buổi/ngày, các điểm trường lẻ. Sở GD-ĐT cũng đang đề xuất UBND thành phố triển khai xây dựng mẫu NVS tại 7 trường học ở các cấp học, kinh phí khoảng 11 tỷ đồng, từ đó nhân rộng ra các trường khác. Với mục tiêu chăm lo cho sức khỏe, sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai của Thủ đô và đất nước, Hà Nội kêu gọi sự chung tay đồng hành của các nhà tài trợ, của phụ huynh HS để có nguồn lực mạnh mẽ đầu tư cho môi trường học đường an toàn, thân thiện và sạch sẽ, có đủ các hạng mục quy định phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt của HS tại trường.

Lộ trình triển khai cải tạo, xây dựng NVS trường học của Hà Nội chia làm hai giai đoạn. Từ năm 2016-2018 là cải tạo những NVS chưa đạt chuẩn; từ năm 2018-2020 tiếp tục rà soát cải tạo NVS cũ, xây mới ở những trường còn thiếu, bảo đảm tất cả các trường đều có đủ NVS đạt tiêu chuẩn, dứt khoát không để tình trạng thiếu NVS hoặc NVS mất vệ sinh, làm ảnh hưởng đến việc học tập của HS.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nhà vệ sinh ở trường học: Công trình phụ - Nhiệm vụ chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.