(HNM) - Sau khi Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội ký kết chương trình phối hợp hành động triển khai chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Tổng Công ty Viglacera, một DN trực thuộc Bộ Xây dựng, đã khởi công dự án 1.500 căn hộ cho người thu nhập thấp tại Khu đô thị (KĐT) Đặng Xá II (Gia Lâm).
Khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm). Ảnh: Trọng Hải |
Dự án có tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, quy mô 115.000m2 sàn, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý II-2014, giải quyết nhu cầu chỗ ở cho khoảng 6.000 cư dân. Mức giá dự kiến từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng/căn hộ đã làm nóng dư luận trong những ngày qua. Tuy nhiên, được biết mức giá rẻ nêu trên có được là do chủ đầu tư thiết kế căn hộ diện tích nhỏ, từ 30m2 đến 50m2, thay cho 70m2 như 946 căn hộ nhà thu nhập thấp cũng do Viglacera đầu tư xây dựng tại KĐT Đặng Xá I trước đó. Mức giá bán tính trên mỗi mét vuông dự kiến vẫn là 10,3 triệu đồng. Phó Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera Nguyễn Thanh Tùng cho biết, việc tính giá bán căn cứ trên suất đầu tư do cơ quan quản lý quy định, chi phí GPMB, đầu tư hạ tầng… cộng với 10% lợi nhuận của DN. Vì vậy, muốn giảm giá bán, đặc biệt là có được mức giá như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khoảng 2-4 triệu đồng/m2, đòi hỏi sự hỗ trợ rất mạnh của Nhà nước như giao mặt bằng sạch, có sẵn hạ tầng, DN được tiếp cận vốn ưu đãi… "Người mua nhà cũng bày tỏ nguyện vọng, Nhà nước cho miễn thuế giá trị gia tăng, như vậy giá bán có thể giảm thêm 10%" - ông Tùng nói.
Lý giải cho việc dự án 946 căn hộ tại KĐT Đặng Xá I phải 8-9 lần gia hạn tiếp nhận hồ sơ xin mua nhà thu nhập thấp, nhiều người muốn tiếp cận dự án nhưng bị giới hạn bởi các quy định, thủ tục như buộc phải có hộ khẩu Hà Nội. Vừa rồi, TP đã sửa đổi quy định theo hướng "nới" đối tượng được mua. Thời điểm hiện tại, chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua bán và bàn giao hơn 700 căn, còn gần 200 căn, UBND TP đã có văn bản chấp thuận Bộ Công an giới thiệu cán bộ, chiến sỹ mua nhà, nên về cơ bản dự án này đã bán hết.
Được biết, các khu nhà cho người thu nhập thấp nằm trong tổng thể KĐT đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội nên cư dân được hưởng toàn bộ các tiện ích như trường mầm non, nhà trẻ, khu thể thao, công viên, bãi đỗ xe, dịch vụ an ninh, vệ sinh môi trường… mà không có bất kỳ sự phân biệt nào. Hiện, KĐT Đặng Xá I đã đầu tư xong hạ tầng, hoàn thành và đưa vào sử dụng tổng cộng 180.000m2 sàn nhà ở. Trong khi KĐT Đặng Xá II khởi công từ tháng 1-2012, dự kiến hoàn thành năm 2015 cũng sẽ cung cấp khoảng 350.000m2 sàn, khớp nối hạ tầng với KĐT Đặng Xá I để tạo nên tổng thể một KĐT mới hiện đại.
Tại lễ ký kết chương trình phối hợp với TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã phân loại rõ 2 loại nhà ở hàng hóa và nhà ở phi hàng hóa có sự can thiệp của Nhà nước. Đồng thời, chỉ rõ 8 nhóm đối tượng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong tạo lập nhà ở, như cán bộ, viên chức, văn nghệ sỹ, người có công, lực lượng vũ trang… Đối với riêng Hà Nội, sẽ lựa chọn một số dự án cụ thể để triển khai điểm các mô hình phát triển như Nhà nước đầu tư cho thuê giá rẻ; DN đầu tư có sự hỗ trợ của Nhà nước để bán, cho thuê, cho thuê mua; do tư nhân đầu tư có sự hỗ trợ của Nhà nước để cho thuê, chủ yếu phục vụ công nhân các khu công nghiệp. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc Bộ được giao nhiệm vụ tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội cùng TP Hà Nội. "Ngoài nhiệm vụ kinh doanh, DN nhà nước còn là công cụ thực hiện nhiệm vụ chính trị" - Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định.
Theo UBND TP Hà Nội, nhu cầu nhà ở xã hội của Hà Nội giai đoạn 2011-2015 rất lớn, khoảng 10 triệu mét vuông sàn xây dựng. Trong đó, ký túc xá sinh viên là 1,6 triệu mét vuông (đáp ứng 250.000 chỗ ở). Nhà cho người thu nhập thấp khu vực đô thị là 4,1 triệu mét vuông (tương đương 82.000 căn hộ). Nhà ở công nhân thuê là 3,7 triệu mét vuông (đáp ứng 320.000 chỗ ở) và nhà phục vụ tái định cư là 2 triệu mét vuông (tương đương 26.000 căn hộ). Tuy nhiên, do khả năng huy động nguồn lực từ ngân sách trung ương, địa phương, cũng như từ DN trong giai đoạn này rất khó khăn, nên Hà Nội chỉ đưa vào chương trình mức phấn đấu tối thiểu là 4,7 triệu mét vuông sàn. Trong đó, nhà ở cho người thu nhập thấp là 1,1 triệu mét vuông (tương đương 15.500 căn hộ).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.