(HNM) - Theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội dự kiến đến năm 2015, tổng lượng gạo hằng năm cần để phục vụ cho nhu cầu nhân dân Thủ đô là khoảng trên 1,53 triệu tấn.
Song, hiện nay sản xuất nông nghiệp của TP mới chỉ đáp ứng từ 3% tới 5% nhu cầu thị trường. Điều cấp bách hiện nay của ngành nông nghiệp Thủ đô là Quy hoạch tổng thể vùng sản xuất, xây dựng một số vùng lúa hàng hóa chất lượng cao, cung cấp cho người dân những sản phẩm sạch, chất lượng.
Quy hoạch vùng sản xuất
Bên cạnh việc tăng sản lượng, nâng cao chất lượng lúa là mục tiêu hàng đầu của nông nghiệp Hà Nội để bảo đảm an ninh lương thực. Ảnh: Bá Hoạt
Hà Nội hiện có hơn 100.000ha trồng lúa, nhưng cơ cấu giống lúa chất lượng cao ở nhiều huyện ngoại thành chỉ chiếm 20% diện tích, còn lại chủ yếu vẫn là giống lúa Q5 và Khang Dân. Những giống lúa này tuy cho sản lượng cao nhưng gạo chưa ngon, hiệu quả kinh tế thấp. Để khắc phục tình trạng đó, mới đây, TP Hà Nội đã phê duyệt chương trình phát triển sản xuất (SX) lúa hàng hóa chất lượng cao giai đoạn 2011-2015. Theo ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội, chương trình được chia làm hai giai đoạn. Trong giai đoạn một (2011 đến 2012) sẽ điều tra xác định các vùng đủ điều kiện SX lúa hàng hóa tại 8 huyện trọng điểm SX lúa của Hà Nội. Đồng thời, xây dựng, phát triển một số vùng lúa hàng hóa chất lượng cao quy mô 10.270ha, sản lượng lúa đạt gần 55 nghìn tấn, lượng gạo chất lượng đạt 36 nghìn tấn. Giai đoạn hai (2013-2015), phát triển được các vùng SX lúa hàng hóa chất lượng cao, dự kiến có 103 vùng tại 8 huyện trọng điểm với quy mô 75.000-76.000ha, sản lượng lúa đạt trên 400 nghìn tấn, lượng gạo chất lượng cao đạt 265 nghìn tấn. Mục tiêu đến năm 2015, đáp ứng được 30-35% nhu cầu lương thực của nhân dân Thủ đô. SX lúa hàng hóa đạt hiệu quả cao hơn lúa thường 15-20%, tăng giá trị SX lúa từ 11-12 triệu đồng/ha/năm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Tuy chương trình mới được phê duyệt song dự án đã được khởi động từ năm 2010. Trong năm 2010, Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội đã điều tra, xác định được 12 vùng SX lúa hàng hóa chất lượng cao tại 7 huyện trọng điểm lúa của TP là Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai. Theo Sở NN&PTNT, năm 2011, TP sẽ phát triển vùng SX lúa hàng hóa với diện tích 2.400ha, sản lượng ước tính 12.720 tấn, lượng gạo chất lượng ước đạt 8.904 tấn. Những giống lúa chất lượng cao được Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội đưa vào SX chủ yếu là lúa Nàng Xuân, Tám Thơm đột biến, T10 và LT2… Kết quả thực nghiệm cho thấy chất lượng gạo tốt, cơm dẻo, mùi thơm được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Sướng, việc phát triển lúa hàng hóa ở Hà Nội còn gặp không ít khó khăn do một số vùng chưa quy hoạch đất nông nghiệp, chưa có ranh giới rõ ràng, hạ tầng cơ sở còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, máy móc, thiết bị làm đất, thu hoạch, công nghệ phơi sấy, bảo quản lúa còn hạn chế. Muốn xây dựng vùng SX lúa hàng hóa, cần có ít nhất diện tích tập trung rộng 100ha/vùng, có như vậy mới đưa được cơ giới hóa vào SX và tạo điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh.
Mô hình liên kết "bốn nhà"
Những năm qua, dù ngành nông nghiệp đã tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới cho nông dân song tỷ lệ trồng lúa chất lượng cao của Hà Nội chỉ chiếm 8% đến 14% diện tích trồng lúa với quy mô nhỏ lẻ, phân tán, bộ giống còn nghèo nàn. Công nghệ sau thu hoạch (phơi, sấy, bảo quản, chế biến…) lúa chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu. Hoạt động tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp… Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, để giá trị SX lúa gạo hàng hóa, nhất là ở vùng ven đô được nâng lên, cần phải xây dựng một chuỗi giá trị, trong đó có chuỗi giá trị về hạt gạo, đặc biệt là hạt gạo có chất lượng cao. Muốn làm được điều đó cần sự vào cuộc đồng bộ của "bốn nhà".
Dự kiến đến năm 2015, nhu cầu lượng gạo hằng năm phục vụ nhân dân Hà Nội ước tính khoảng 1,53 triệu tấn (gồm hơn 1,22 triệu tấn dùng làm lương thực ăn hằng ngày và hơn 306 nghìn tấn dùng cho chăn nuôi, chế biến...). Do đó, việc hình thành các vùng SX lúa hàng hóa chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết và bắt buộc nếu Hà Nội muốn bảo đảm an ninh lương thực trước vấn nạn tăng dân số. Để chương trình đạt kết quả cao, theo ông Nguyễn Bá Sướng, giải pháp liên kết "bốn nhà" (gồm nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông) nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến trong nước và quốc tế vào SX, bảo quản, chế biến được chú trọng hàng đầu. Các doanh nghiệp như Công ty Hưng Trung Việt, Công ty Phân phối, bán lẻ VNF1, Công ty Thái Dương, Công ty cổ phần Lương thực Hồng Hà, Công ty Chaoful (Ðài Loan)... đã đăng ký, hợp tác với Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội và các HTX, thực hiện tốt việc thu mua, chế biến, bảo quản sản phẩm, tạo sự ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, từ đó chủ động kế hoạch SX, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Tham gia mô hình, nông dân đã biết SX tập trung, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ khâu gieo mạ, cấy, bón phân và phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch lúa, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và yên tâm có đầu ra ổn định. Ông Nguyễn Huy Oánh, Chủ nhiệm HTX Thanh Văn (Thanh Oai), một trong 12 điểm áp dụng chương trình SX lúa hàng hóa chất lượng cao cho biết, tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ một phần kinh phí như giống, thuốc BVTV và được Công ty cổ phần Bán lẻ lương thực Hà Nội liên kết tiêu thụ sản phẩm, giá bán cao hơn lúa thường 1.000 đồng/kg, cho lãi từ 50% trở lên nên ai cũng phấn khởi. Chỉ có đẩy mạnh liên kết "bốn nhà" thì mới nâng cao kỹ năng SX cho nông dân và bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm - ông Nguyễn Huy Oánh khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.