Công nghiệp văn hóa

Xây dựng nền công nghiệp văn hóa: Tạo đột phá từ văn học, nghệ thuật

An Nhi 27/08/2023 - 06:33

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tập trung vào 12 lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực thuộc văn học, nghệ thuật như xuất bản, thời trang, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, kiến trúc.

Nhiều lĩnh vực văn học, nghệ thuật Việt Nam đang có bước tiến, cho thấy tín hiệu khả quan, cần chú trọng đầu tư để tạo đột phá cho công nghiệp văn hóa.

de-men.jpg
Một cảnh trong vở kịch “Dế Mèn” của Sân khấu Lệ Ngọc.

Tín hiệu tốt trên thị trường

Một trong những lĩnh vực đang có những tín hiệu phát triển tốt trên thị trường là xuất bản. Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2022, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 38.029 (tăng 15,42% so với năm 2021) với gần 600 triệu bản (tăng 49,5% so với năm 2021). Tổng doanh thu toàn ngành năm 2022 đạt 3.994 tỷ đồng (tăng 33,3% so với năm 2021). Nhiều cuốn sách được tái bản hàng chục lần. Tiêu biểu là sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” đến nay được tái bản trên 70 lần với hơn 400.000 bản; “Mắt biếc” tái bản hơn 50 lần với hơn 300.000 bản... Nhiều cuốn “bestseller” (bán chạy) được chuyển thể thành những bộ phim ăn khách, như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”; “Mắt biếc”… Các cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” và mới đây là “Ngồi khóc trên cây”, “Chúc một ngày tốt lành” được chuyển ngữ, xuất bản ở nước ngoài cũng tiêu thụ khá tốt.

Không chỉ riêng tác giả Nguyễn Nhật Ánh, tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, tác giả Tony Buổi Sáng, nhà thơ Nguyễn Phong Việt… cũng bán được số lượng lớn, tái bản nhiều lần. Cuốn sách tranh “Chang hoang dã - Gấu” (tác giả Trang Nguyễn, minh họa Jeet Zdung) gây “sốt” trong nước, hiện được xuất bản tại nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ…

Ở lĩnh vực điện ảnh, có thể thấy rõ nhất những đóng góp cho nền kinh tế khi ngày càng xuất hiện nhiều bộ phim doanh thu hàng trăm tỷ đồng, như “Nhà bà Nữ” (475 tỷ đồng), “Bố già” (427 tỷ đồng), “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” (272 tỷ đồng), “Hai Phượng” (237 tỷ đồng), “Cua lại vợ bầu” (191 tỷ đồng), “Tiệc trăng máu” (175 tỷ đồng)…

Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Sân khấu Lệ Ngọc mỗi năm diễn hàng trăm buổi tại Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước, đều “cháy vé”. Nhà hát Múa rối Thăng Long lấy lại phong độ, diễn kín lịch mỗi ngày phục vụ du khách trong và ngoài nước. Những chương trình ca nhạc của ca sĩ Mỹ Tâm, Đen… luôn được hàng chục nghìn khán giả háo hức săn vé. Các MV (video âm nhạc) của ca sĩ Hoàng Thùy Linh, Sơn Tùng M-TP, Đức Phúc… thu hút hàng triệu lượt xem, lan tỏa không chỉ trong nước mà cả quốc tế, đem lại nguồn thu trên nhiều nền tảng cho nghệ sĩ… Việt Nam cũng trở thành điểm đến của nhiều nghệ sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng quốc tế như BlackPink, Taeyang, Ronan Keating…

Thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay khá sôi nổi. Không chỉ tác phẩm nghệ thuật đơn thuần, từ nhiều năm qua, những sáng tạo của họa sĩ Nguyễn Xuân Lam lấy cảm hứng từ tranh dân gian Việt Nam đã được ứng dụng trong thiết kế sản phẩm, đồ dùng như áo, túi, sổ tay, thiệp… Hãng đồng hồ Thụy Sĩ Christophe Claret cũng sử dụng hình ảnh trong tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Xuân Lam cho thiết kế sản phẩm mới…

mat-biec.jpg
“Mắt biếc” - cả sách và phim đều ăn khách, tạo nên hiện tượng doanh thu trong ngành Văn hóa.

Nâng giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật

Sáng tạo tác phẩm là khâu đầu tiên, là chất liệu quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa liên quan đến văn học, nghệ thuật.

Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, bản thân văn nghệ sĩ phải dồn tâm sức, trí tuệ, liên tục cập nhật, đổi mới và phải thấu hiểu thị trường, nhu cầu của công chúng để sáng tạo tác phẩm. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý, các hội nghề nghiệp cũng cần đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo nhằm đầu tư, kết nối để gia tăng giá trị, lan tỏa các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Có thể bằng cách đầu tư chuyển thể tác phẩm văn học được yêu thích thành phim, vở diễn sân khấu; đưa những họa tiết trong tranh ứng dụng trong trò chơi điện tử, thiết kế thời trang…

Tuy nhiên, tác phẩm văn học, nghệ thuật tốt, hấp dẫn là chưa đủ để đóng góp vào công nghiệp văn hóa. PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, khi vào guồng quay công nghiệp, việc chọn lựa thời điểm phát hành tác phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khán giả sẽ tạo nên sự thành công về mặt doanh thu. Cùng với đó, để gia tăng giá trị, tính phổ biến cho tác phẩm, trong quá trình phát hành cần có những hoạt động hỗ trợ như các buổi ra mắt tác phẩm, giao lưu giữa văn nghệ sĩ và công chúng, các hình thức truyền thông, quảng cáo, sản xuất các sản phẩm đi kèm…

Ở góc nhìn vĩ mô, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề xuất, cần tạo thương hiệu quốc gia về công nghiệp văn hóa từ những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như điện ảnh, thời trang, xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn…; hình thành một số trung tâm sáng tạo trên toàn quốc; tham gia vào các mạng lưới công nghiệp văn hóa trên toàn cầu; mở ra những mô hình đầu tư mới cho các cá nhân, tổ chức hoạt động văn học, nghệ thuật… Đó là hướng đi để thúc đẩy công nghiệp văn hóa nước nhà phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nền công nghiệp văn hóa: Tạo đột phá từ văn học, nghệ thuật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.