(HNM) - Hà Nội đang nỗ lực để sớm trở thành một đô thị hiện đại và một trong những nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng được môi trường hành chính thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Giai đoạn từ nay đến năm 2020, Hà Nội đặt nhiều mục tiêu phát triển rất cao. Một trong những mục tiêu đó là thực hiện khâu đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn. Theo tính toán của UBND thành phố, để đáp ứng được những mục tiêu cơ bản trong phát triển, Hà Nội cần huy động nguồn vốn khoảng từ 2,5 đến 2,6 triệu tỷ đồng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, ngoài những dự án trọng điểm có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội được bố trí sử dụng vốn ngân sách, thì phần lớn sẽ sử dụng vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước (chiếm khoảng 80% nguồn vốn phát triển). Nhưng, nguồn vốn này sẽ không tự động chảy vào các dự án của thành phố.
Thực tế là nhiều dự án hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, nhưng thu hồi vốn chậm nên không dễ hấp dẫn nhà đầu tư bên ngoài. Vì vậy, để thu hút được nguồn lực xã hội phải có quyết tâm chính trị cao và sự nhất quán trong hành động, tạo niềm tin với nhà đầu tư. Đó cũng chính là quan điểm của các cấp lãnh đạo cao nhất của thành phố. Từ quyết tâm chính trị, thành phố xác định, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi là bước đi đầu tiên phải thực hiện.
Từ đầu năm 2016 đến nay, việc rà soát, sắp xếp tinh giản thủ tục hành chính trên lĩnh vực đầu tư, kinh doanh được thực hiện quyết liệt với phương châm lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả. Nhờ vậy, đến nay, thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh đã giảm 30%, lĩnh vực đầu tư giảm 40-60%, trong quy hoạch, đất đai giảm 30-50%.
Một sáng kiến của Hà Nội đã và đang phát huy hiệu quả là thành lập tổ công tác liên ngành trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục đầu tư. Tổ công tác liên ngành của thành phố được đặt ngay tại UBND thành phố, gồm các cán bộ đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng..., có tác dụng như “một cửa” trong thu hút đầu tư nhằm giải quyết nhanh, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Thành phố cũng rất chú trọng thực hiện và đã tạo chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Từ việc gỡ những nút thắt về hành chính, một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi đang được hình thành và dần tạo lập niềm tin đối với nhà đầu tư. Qua đó, các quan điểm, định hướng về đầu tư cũng như các dự án Hà Nội giới thiệu đều nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chẳng hạn, thành phố đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư vào 25 dự án giao thông, bãi đỗ xe với tổng số vốn gần 263 nghìn tỷ đồng. Các dự án có tính chất phục vụ cộng đồng cũng thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp như về cấp nước sạch, xử lý rác thải, nước thải, công viên cây xanh...
Tuy nhiên, như Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã đánh giá, những kết quả trên mới là bước đầu và còn khiêm tốn. Thực hiện mục tiêu đưa Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại, xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của khu vực vẫn luôn là nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức với nhiều việc phải làm. Riêng về công tác cải cách hành chính, để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp nếu như mỗi cán bộ không nhận thức được trách nhiệm và thực thi trách nhiệm một cách nghiêm túc thì vẫn chỉ dừng lại ở chủ trương và không đem lại hiệu quả cụ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.