(HNM) - Nhằm giúp học viên yên tâm, nỗ lực điều trị cai nghiện, 7 cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội luôn chú trọng xây dựng môi trường sống, điều trị cai nghiện an toàn, thân thiện; đồng thời quan tâm tạo việc làm, rèn luyện lối sống tích cực cho học viên. Nhờ đó, trong những năm gần đây, Hà Nội không có hiện tượng học viên bỏ trốn khỏi cơ sở điều trị cai nghiện ma túy.
Tạo tâm lý thoải mái cho học viên
Ấn tượng đầu tiên khi phóng viên Báo Hànộimới đến Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội là bầu không khí trong lành, nhiều cây xanh. Dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở, ông Nguyễn Ái Học, Giám đốc kể, đơn vị có trách nhiệm quản lý, điều trị cho người cai nghiện ma túy theo diện bắt buộc với hơn 400 học viên. Trong đó, số học viên từng có tiền án, tiền sự chiếm hơn 70%, số người nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác chiếm hơn 30%.
Đa số học viên từng sử dụng ma túy tổng hợp, khi mới vào điều trị cai nghiện thường có biểu hiện bất thường về tâm lý, hành vi. Do đó, để nâng cao hiệu quả điều trị, ngoài các giải pháp trợ giúp về y tế, họ cần được hỗ trợ về việc làm, tạo điều kiện để sinh hoạt văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao…
Thấu hiểu nhu cầu của học viên, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 đã phối hợp với một số cơ sở sản xuất “nhân cấy” những nghề phù hợp, tạo điều kiện cho học viên có việc làm... Sau thời gian điều trị cắt cơn, sức khỏe dần cải thiện, học viên sẽ tham gia lao động sản xuất. Học viên T.V.N cho biết: “Việc tham gia lao động giúp chúng tôi hiểu được giá trị của sức lao động, suy nghĩ tích cực. Qua đó, có thêm động lực, quyết tâm điều trị cai nghiện”.
Còn tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, hằng ngày, những học viên yêu thích làm nông nghiệp được tham gia trồng chè, cây ăn quả, rau xanh, chăn nuôi lợn, gà… để có thêm thực phẩm bổ sung cho bữa ăn. Những người biết nghề phi nông nghiệp có thể tham gia làm việc tại cơ sở sản xuất được bố trí trong khuôn viên đơn vị.
Tương tự, học viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội thường xuyên tham gia sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; lao động trị liệu tại xưởng phân loại giấy vụn, xưởng gia công đồ nội thất, xưởng gia công đồ điện dân dụng, xưởng sản xuất hàng mây, tre đan… Theo ông Đỗ Trọng, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội, hoạt động sản xuất vừa mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, vừa góp phần tạo ra môi trường điều trị cai nghiện thân thiện, tạo tâm lý thoải mái cho học viên.
Tận tâm phục vụ
Cùng với việc xây dựng môi trường sống, điều trị cai nghiện cởi mở, thân thiện, các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn Hà Nội thường xuyên trang bị cho học viên kỹ năng giao tiếp, ứng xử… Nhằm giúp học viên có cái nhìn trực quan, sinh động về những điều hay, lẽ phải, các cơ sở cai nghiện ma túy tích cực xây dựng cơ quan văn hóa; triển khai các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…
Trên tinh thần đó, mỗi cán bộ, nhân viên các cơ sở cai nghiện ma túy không ngừng tự rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; làm việc với tinh thần “ba cùng” (cùng ăn, ở, sinh hoạt) với học viên để có thể hiểu rõ hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của từng người, từ đó đưa ra biện pháp “trị liệu” tinh thần phù hợp với từng học viên.
Điển hình cho lối sống đẹp trong môi trường điều trị cai nghiện là anh Hoàng Mạnh Thắng, Phó Trưởng phòng Bảo vệ, Cơ sở cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội - người được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tặng Bằng khen về thành tích thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” năm 2019. 13 năm công tác (từ năm 2007 đến nay), anh Thắng trở thành người bạn tin cậy của nhiều học viên, được học viên quý mến gọi là “thầy”.
Chia sẻ về người “thầy” tận tâm, học viên T.H.Q bộc bạch: “Chưa có ai trong chúng tôi bị “thầy” Thắng quát mắng cũng như gắt gỏng trong quá trình điều trị, làm việc. Với cá nhân tôi, anh Thắng vừa là người thầy giúp đỡ tôi có việc làm, thu nhập ngay trong thời gian điều trị cai nghiện, vừa như là người thân của tôi và nhiều học viên”.
Coi học viên như người thân trong gia đình, anh Trần Đức Hoàng, Phòng Giáo dục - Hòa nhập cộng đồng, Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội luôn quan tâm từ những việc nhỏ nhất. Chứng kiến học viên thiếu phương tiện vui chơi, giải trí, anh Hoàng tự sửa chữa những bàn bóng bàn cũ do anh xin về để lắp đặt trong khu vực sinh hoạt chung của đơn vị; tỉ mỉ trồng thêm những khóm hoa, tạo cảnh quan xanh mát trong khuôn viên; thường xuyên dành thời gian chia sẻ, trò chuyện với học viên.
Ngoài những trường hợp đã nêu, các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn Hà Nội còn có nhiều cán bộ, nhân viên trở thành điểm tựa tinh thần, giúp những mảnh đời lầm lỡ hướng thiện, được các cơ quan chức năng ghi nhận, biểu dương. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết, những mô hình hỗ trợ điều trị cai nghiện được triển khai hiệu quả tại các cơ sở cai nghiện ma túy mang lại nhiều lợi ích. Trong những năm gần đây, Hà Nội không có học viên bỏ trốn, không xảy ra những vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng. Sau khi cai nghiện, không ít học viên có đủ bản lĩnh, niềm tin để hòa nhập cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.