Ngày 7-12, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học góp ý vào dự thảo Đề án xây dựng Mạng lưới sáng kiến Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao nêu rõ, thực hiện Chương trình số 07-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2022, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND và Kế hoạch số 217/KH-UBND trong đó có nội dung xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội”.
Cuộc hội thảo nhằm lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức khoa học và công nghệ đối với dự thảo Đề án xây dựng Mạng lưới sáng kiến Hà Nội.
Theo PGS.TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ Giao thông vận tải, Hà Nội đã và đang tổ chức và tham gia một số sáng kiến nhằm phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, vẫn chưa có đầu mối chính thức để tổng hợp, theo dõi và xử lý các thông tin với thành phố. Cho nên, lập Đề án xây dựng Mạng lưới sáng kiến Hà Nội là cần thiết.
Để bảo đảm tính kế thừa và phát triển, tên Đề án nên được điều chỉnh là Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới sáng kiến Hà Nội. Bởi vì, phạm vi Đề án sẽ bao trùm cả một số nội dung sáng kiến có tính chuyên ngành đã và đang thực hiện từ trước đến nay, và sẽ kết hợp tiếp với một mạng lưới sáng kiến mới với quy mô huy động toàn thành phố. “Riêng đối với vấn đề giao thông vận tải Hà Nội, nếu được quan tâm áp dụng thử nghiệm theo hình thức/ quy chế Sandbox thì sẽ hứa hẹn có được những đề xuất, sáng kiến mang tính mới và đột phá” - PGS.TS Doãn Minh Tâm đã đề xuất.
TS. Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, bản dự thảo có thể xem là phác thảo ban đầu chưa hoàn thiện. Về mục tiêu của Đề án, bên cạnh 2 chủ thể là chính quyền Thủ đô và các tổ chức khoa học và công nghệ, theo các chuyên gia, cần bổ sung chủ thể khai thác, sử dụng Sáng kiến là các cơ quan chức năng của thành phố, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân. Về chức năng của Đề án, cần làm sâu sắc 3 chức năng: Tập hợp đội ngũ chuyên gia; phát huy tiềm năng của đội ngũ này để tạo ra sáng kiến; quản lý, vận hành khai thác có hiệu quả các sáng kiến trong Mạng lưới... Về tổ chức thực hiện, bên cạnh các sở, ban, ngành của thành phố nên có Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố tham gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.