Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thành Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy

Thu Hằng| 19/05/2023 11:03

(HNMO) - Tại hội nghị sơ kết Chương trình số 07-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” do Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng 19-5, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình số 07-CTr/TU với quyết tâm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà chương trình đề ra...

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan:

Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hiện đại hóa sản xuất

Qua quá trình tổ chức triển khai các chỉ tiêu được giao tại Chương trình số 07-CTr/TU, Sở Công Thương đánh giá còn một số tồn tại, khó khăn vướng mắc như: Các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn chung chung; công tác ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển giao công nghệ lĩnh vực Điện lực chưa được thực hiện triệt để do chưa xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích các hãng công nghệ thiết bị điện đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam; chưa hoàn thiện thị trường khoa học, chưa có đủ nguồn vốn để tham gia thị trường khoa học thế giới, thực hiện mua bán, chuyển giao công nghệ tiên tiến trên thế giới về Việt Nam ứng dụng.

Nhằm khắc phục các tồn tại, khó khăn vướng mắc nêu trên, Sở Công Thương đề xuất một số giải pháp: Tổ chức nghiên cứu, đánh giá và đề xuất đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế ngành công thương trong hoạt động, sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành, góp phần cải cách công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của Sở Công Thương Hà Nội.

Cùng với đó là tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý khoa học trong ngành Công thương, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các hãng công nghệ nổi tiếng thế giới đầu tư sản xuất tại Việt Nam và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam đồng thời bố trí đủ nguồn vốn phát triển công nghệ.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng

Chuẩn hóa, số hóa các mô hình hỗ trợ thanh niên 

Thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và căn cứ các Quyết định phê duyệt 5 đề án giao nhiệm vụ, Thành đoàn Hà Nội đã tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ theo hướng chuẩn hóa và số hóa mô hình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do chính thanh niên vận hành, gắn với đánh giá tính thực tế và nhân rộng các hoạt động hỗ trợ bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Để thực hiện các Đề án đạt hiệu quả cao nhất, Thành đoàn Hà Nội mong muốn được thành phố hỗ trợ về mặt địa điểm cho không gian hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy mạnh việc thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D) thuộc các doanh nghiệp để áp dụng các mô hình được chuẩn hóa, cải tiến từ hoạt động thực tiễn của các trường đại học, học viện; có cơ chế đặt hàng nghiên cứu khoa học ứng dụng từ các trung tâm này cho các trường đại học, học viện để khơi thông nguồn vốn tư nhân cho hoạt động ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ kinh phí cho các không gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…

Thời gian tới, Thành đoàn Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung chuẩn hóa, số hóa các mô hình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hiệu quả; phối hợp với các sở, ban, ngành, các trường đại học, học viện; tăng cường kết nối với các đối tác doanh nghiệp, quỹ đầu tư, các cơ sở giáo dục cung cấp, trang bị các kiến thức, kỹ năng, nguồn lực phù hợp cho thanh niên khởi nghiệp sáng tạo; tích cực xã hội hóa các nội dung phù hợp của các Đề án bảo đảm tối ưu về nguồn lực cho thanh niên thực hiện thắng lợi các nội dung đã được giao trong khuôn khổ Chương trình số 07-CTr/TU. 

Phó Bí thư Huyện ủy,Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng

Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái

Thực hiện Chương trình 07-CTr/TU trên địa bàn huyện Thạch Thất, Huyện ủy ban hành Chương trình "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế huyện nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025"; Chương trình "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".

Huyện đã kiện toàn Hội đồng Khoa học, sáng kiến huyện; tổ chức và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”; xây dựng và triển khai Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch và thực hiện áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại UBND huyện và 23 xã, thị trấn.

Với những kết quả mà huyện Thạch Thất đã đạt được trong những năm qua, chúng tôi nhận thấy việc triển khai thực hiện Chương trình 07-CTr/TU đã giúp địa phương có nhiều chuyển biến tích cực.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ngoài việc tuyên truyền về Chương trình 07-CTr/TU để tạo ra bước chuyển căn bản trong nhận thức, trách nhiệm và năng lực hoạt động của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn, chúng tôi sẽ bám sát kế hoạch, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu được giao tại Kế hoạch số 345/KH-UBND.

Đặc biệt sẽ tập trung chỉ đạo ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hình hành vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tập trung quản lý và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế; công nghệ bảo quản và chế biến nông sản nhằm đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Vũ Ngọc Huyên

Đồng hành cùng Hà Nội phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững

Hiện Học viện đang phối hợp với Sở Khoa học và Công Nghệ Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội triển khai một số nhiệm vụ về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ như: Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu giải pháp chính sách và khoa học và công nghệ trong giết mổ gia súc gia cầm và xử lý môi trường nông nghiệp.

Cùng với đó là nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, làng nghề nông thôn; nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; quy hoạch không gian phát triển nông nghiệp thủ đô và các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn thành phố...

Để góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình 07-CTr/TU, Học viện mong muốn thành phố sẽ nghiên cứu xây dựng một trung tâm khỏi nghiệp đổi mới sáng tạo; có kế hoạch đặt hàng về nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đại học, học viện trên địa bàn; có cơ chế đặt hàng các trường đại học, viện nghiên cứu gắn với các mục tiêu của Chương trình số 07-CTr/TU và nghiệm thu sản phẩm cuối cùng.

Ý thức được vai trò và vị thế của một cơ sở giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học tọa lạc tại Thủ đô Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn mong muốn được đồng hành cũng các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, HTX và người nông dân trên địa bàn Hà Nội phát triển kinh tế nông nghiệp một cách hiệu quả và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thành Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.