(HNM) - Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội vừa công bố Quy hoạch phát triển bưu chính viễn thông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Mạng lưới BCVT hiện đại
Để có mạng lưới BCVT hiện đại dẫn đầu cả nước, đáp ứng nhu cầu phát triển và phục vụ người dân, quy hoạch đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Đến năm 2015, Hà Nội có mật độ điện thoại cố định là 20 thuê bao/100 dân, di động là 182 thuê bao/100 dân, internet băng rộng cố định 19 thuê bao/100 dân, tỷ lệ hộ gia đình truy cập internet là 45-50%. Thành phố đã hạ ngầm mạng ngoại vi khu vực nội thành đạt 60-70%; hoàn thành việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số. Hoàn thành mạng WAN kết nối giữa Thành ủy, UBND thành phố với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các phường, xã, thị trấn. Với mạng bưu chính, toàn thành phố sẽ có 1.040 điểm phục vụ với bán kính phục vụ bình quân 1,01km/điểm; số dân phục vụ bình quân 6.997 người/điểm; 100% điểm bưu điện văn hóa xã có internet băng rộng. Đến năm 2020, Hà Nội đạt mật độ điện thoại cố định là 21 thuê bao/100 dân, di động là 212 thuê bao/100 dân, internet băng rộng cố định là 25 thuê bao/100 dân, tỷ lệ gia đình truy cập internet là 70-75%; phấn đấu ngầm hóa khu vực nội thành đạt 80-90%; xây dựng 1.130 điểm phục vụ bưu chính đạt bán kính bình quân 0,97km/điểm; số dân được phục vụ bình quân là 7.040 người/điểm... Quy hoạch cũng nêu định hướng phát triển đến năm 2030, sẽ hiện đại hóa mạng lưới bưu chính, tự động hóa trong khai thác; với lĩnh vực viễn thông, phát triển theo hướng hội tụ đa ngành cung cấp dịch vụ.
Công nhân kỹ thuật thi công hạ ngầm cáp viễn thông. Ảnh: Thanh Hải |
Đầu tư hạ tầng những vùng khó khăn
Hà Nội đưa ra 7 giải pháp, trong đó có nguồn vốn đầu tư để phát triển mạng lưới BCVT là 7.884 tỷ đồng, dự kiến vốn ngân sách nhà nước là 3.189 tỷ đồng, số còn lại là của doanh nghiệp (DN) và huy động từ xã hội. Trong đó, vốn ngân sách kể trên sẽ chỉ tập trung cho các dịch vụ phổ cập BCVT, internet cho vùng sâu, vùng xa và ứng vốn đầu tư triển khai các dự án hạ ngầm, chỉnh trang đường dây, cáp đi nổi trên địa bàn. Như vậy, điều trước tiên có thể dễ nhận thấy là thành phố ưu tiên việc đầu tư hạ tầng ở những vùng khó khăn để từ đó người dân được tiếp cận với các dịch vụ công nghệ hiện đại và qua đó nâng cao dân trí. Thứ hai, có thể thấy, nguồn vốn ngân sách thành phố dành ưu tiên đầu tư vào các dự án hạ ngầm là hoàn toàn đúng, vì đây là biện pháp không chỉ làm đẹp cảnh quan đô thị - bộ mặt của Thủ đô, mà còn bảo vệ sự an toàn cho người dân. Theo đó, thành phố là chủ đầu tư ứng vốn xây dựng các công trình ngầm và buộc các DN cung cấp dịch vụ có đường dây đi nổi phải hạ ngầm dây, cáp theo quy định. Ngoài sự đầu tư của thành phố, năm 2010 Tập đoàn Viettel đã đầu tư xây dựng 4 tuyến tuy nen kỹ thuật phục vụ hạ ngầm và mới đây tập đoàn này đề nghị tiếp tục tham gia xây dựng công trình ngầm tại một số tuyến phố.
Vậy, số vốn còn lại ngoài ngân sách nhà nước sẽ được thành phố huy động thế nào? Quy hoạch đã xác định 4.695 tỷ đồng còn lại sẽ do DN tự đầu tư, phát triển, thành phố chỉ giữ vai trò xây dựng cơ chế phù hợp để huy động vốn đầu tư của DN, tổ chức, cá nhân trong việc xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông. Như vậy, có thể thấy, thành phố sẽ có các cơ chế phù hợp để khuyến khích DN tham gia đầu tư phát triển các công trình hạ tầng, mạng lưới, ví dụ việc DN tham gia xây dựng công trình ngầm theo hình thức xã hội hóa, thành phố sẽ ban hành quy định về mức phí thuê áp dụng phù hợp, tránh tình trạng độc quyền, ép giá DN khác thuê lại. Tương tự, việc các nhà mạng dùng chung BTS, DN bưu chính dùng chung hạ tầng bằng cách khai thác, sử dụng chung một số tuyến vận chuyển, tiết kiệm chi phí cho xăng dầu, nhân công… Một vấn đề nữa là Hà Nội có triển khai lắp đặt dịch vụ wifi hay không? Được biết, cách đây vài năm, VNPT Hà Nội có đề xuất xây dựng cột wifi tại khu vực đất đang dành cho các bốt điện thoại công cộng (đang dần được dỡ bỏ) phục vụ người dân và du khách đến Hà Nội. Song, để dựng được các trạm wifi cũng đặt ra không ít vấn đề, trong đó có việc thu xếp nguồn vốn. Tại cuộc họp báo công bố quy hoạch này, lãnh đạo Sở TT-TT cho biết đang bàn việc xây dựng trạm wifi công cộng tại một số khu vực ở phố cổ phục vụ du khách theo hình thức miễn phí 15 phút đầu… và sẽ sớm hoàn thiện để trình UBND thành phố. Như vậy, nếu chủ trương này thành hiện thực, thì sau Hội An, TP Đà Nẵng; TP Hạ Long, huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), Huế đang lắp đặt, sẽ có thêm Hà Nội gia nhập những đô thị có wifi phục vụ người dân và khách du lịch.
Như vậy, qua bản quy hoạch này, Hà Nội thể hiện quyết tâm xây dựng mạng lưới BCVT hiện đại, dẫn đầu cả nước thông qua các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể. Để thực hiện thành công, không thể không kể đến vai trò của các DN lớn trong ngành (VNPT, Viettel) hoạt động trên địa bàn, vì bên cạnh việc đầu tư phục vụ cho nhu cầu phát triển của họ, thì sự đóng góp thiết thực cho Hà Nội cũng rất quan trọng. Đặc biệt là không thể thiếu vai trò quản lý nhà nước của Sở TT-TT, bởi đây sẽ là đầu mối trong việc đề xuất, tham mưu để thành phố có các chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện cho DN phát triển cũng như huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho mạng lưới BCVT Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.