Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng lực lượng thanh tra trong sạch, phát triển mạnh mẽ

Theo Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)| 01/11/2020 19:38

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu mỗi cán bộ thanh tra phải có đầy đủ ý chí, nghị lực và lòng dũng cảm, không để bị cám dỗ, bị mua chuộc, không vì bất cứ áp lực nào mà làm sai pháp luật.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước cho ngành Thanh tra Việt Nam. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Sáng 1-11, Thanh tra Chính phủ tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành Thanh tra lần thứ V (2020-2025). Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự Đại hội.

Đổi mới hình thức, phong trào thi đua

Phát biểu khai mạc Đại hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong 5 năm qua, ngành Thanh tra Việt Nam đã chủ động đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua với hình thức đa dạng, phong phú; nội dung thiết thực, cụ thể, bám sát với thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành; tích cực tham gia vào việc thực hiện các phong trào thi đua do Trung ương, Thủ tướng Chính phủ phát động.

Theo báo cáo, định hướng, chương trình, kế hoạch công tác thanh tra được tập trung xây dựng sớm, giúp ngành chủ động triển khai các cuộc thanh tra theo đúng nội dung, yêu cầu, nhờ đó công tác thanh tra được triển khai đúng kế hoạch, đảm bảo nội dung, yêu cầu. Kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý chính xác, khách quan, kịp thời, có tính khả thi.

Qua thanh tra đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh công tác quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Các vụ việc chuyển cơ quan điều tra tiếp tục được quan tâm chỉ đạo xử lý quyết liệt; công tác giám sát, thẩm định báo cáo kết luận thanh tra phát huy ngày càng tốt hơn; việc công khai kết luận thanh tra được thực hiện kịp thời theo đúng quy định được dư luận xã hội đồng tình cao.

Trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan cùng cấp nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, tồn đọng kéo dài. Chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực cả về trình tự, thủ tục và nội dung.

Cùng với các biện pháp tăng cường quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, trong năm 2019, theo chỉ số cảm nhận tham nhũng của tổ chức minh bạch quốc tế, Việt Nam được 37/100 điểm (năm 2009 được 2,7/10 điểm - thang điểm năm 2009 là 10) xếp thứ 96/180 quốc gia, tăng 24 bậc (năm 2009 xếp 120/180 quốc gia).

Phong trào thi đua gắn với nâng cao chất lượng thanh tra

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao phong trào thi đua của ngành Thanh tra bởi sự đổi mới, sáng tạo, có chiều sâu với nhiều mô hình mới, nhiều điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc.

Điều này thể hiện sự quyết tâm và sáng tạo trong công việc, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đồng chí Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ, công tác thi đua yêu nước ngành Thanh tra vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, nhất là trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Việc triển khai kế hoạch thanh tra ở một số đơn vị còn chậm, lúng túng; còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Việc bố trí lực lượng, xây dựng kế hoạch và phương pháp tiến hành ở một số cuộc thanh tra chưa khoa học; còn tình trạng kéo dài thời gian xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra. Một số kết luận thanh tra có chất lượng chưa đạt yêu cầu; số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn ít so với số sai phạm; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản chưa cao.

Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại kết luận thanh tra còn chậm; thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả cao.

Còn có một số địa phương, bộ, ngành chưa thực sự quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo, chưa gắn việc tiếp công dân với đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Việc tham mưu, ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm; việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực còn hạn chế. Tình hình tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là ở một số ngành, lĩnh vực như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, tài chính, ngân hàng... và xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội. Việc tổng hợp số liệu, phân tích, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng phục vụ sự chỉ đạo, điều hành ở các cấp, các ngành hiệu quả chưa cao.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, ngành Thanh tra phát động và tổ chức triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của ngành Thanh tra gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành khắc phục tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra.

Các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; công tâm, đánh giá đúng bản chất vụ việc khiếu nại, tố cáo để có giải pháp toàn diện trong xử lý và kiến nghị xử lý, bảo đảm quyền lợi Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; gắn công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Chú trọng xây dựng ngành, lực lượng thanh tra trong sạch, vững mạnh. Mỗi cán bộ, công chức ngành Thanh tra phải có đầy đủ ý chí, nghị lực và lòng dũng cảm, kiên quyết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý, không để bị cám dỗ, bị mua chuộc, không vì bất cứ áp lực nào mà làm sai pháp luật.

Ngành Thanh tra phải thường xuyên bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ, đạo đức, tác phong chuyên nghiệp, ứng xử văn hóa, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, xử lý nghiêm công chức vi phạm để củng cố ngành, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay trong ngành.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tin tưởng, ngành Thanh tra tiếp tục phát triển mạnh mẽ với khí thế mới, tinh thần mới, quyết tâm mới, thực sự là động lực to lớn cổ vũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành vươn lên lập nhiều thành tích xuất sắc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng lực lượng thanh tra trong sạch, phát triển mạnh mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.