Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng không gian văn hóa trong trường học

Nghiêm Ý| 31/10/2022 07:19

(HNM) - Cùng với việc dạy và học chuyên môn, nhiều trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh đã chú trọng tạo dựng không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong nhà trường để sinh viên thêm hiểu, thêm yêu những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam.

Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng thành phố Hồ Chí Minh trao tặng Đảng ủy Trường Đại học Tài chính - Marketing bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 60 trường đại học, học viện. Ngoài việc xây dựng không gian học tập, nghiên cứu, rèn luyện thể chất thì yếu tố không thể thiếu chính là không gian văn hóa cho sinh viên. Các không gian sinh hoạt, giải trí hay giáo dục được các trường tổ chức, lồng ghép thông qua hoạt động nghệ thuật, sân chơi văn hóa hay đội nhóm, câu lạc bộ…

Về vấn đề này, Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, trong mỗi nhà trường, văn hóa được xây dựng trên các mối quan hệ tương hỗ. Quan hệ ấy có thể giữa con người với thiên nhiên, cảnh quan; con người với con người. Trong đó, quan hệ thầy - trò, sinh viên với sinh viên có vai trò quan trọng nhất, bởi hoạt động giáo dục trong nhà trường chủ yếu diễn ra giữa hai mối quan hệ này và ảnh hưởng đến các mối quan hệ khác.

“Các hoạt động văn hóa, không gian văn hóa được các trường đại học, cao đẳng xây dựng rất đa dạng. Nó có thể là hoạt động tìm hiểu về giá trị văn hóa của một làng nghề, cuộc thi về âm nhạc truyền thống, hay đơn thuần là triển lãm sắc phục của các dân tộc anh em. Tuy vậy, mục tiêu hướng tới vẫn là xây dựng và định hình cho sinh viên giá trị nền tảng của dân tộc, nét đặc trưng về văn hóa địa phương, vùng miền… Thông qua hoạt động giao lưu, trải nghiệm, sinh viên có thể tích lũy những góc nhìn riêng về văn hóa dân tộc”, Thạc sĩ Đặng Kiên Cường thông tin.

Tương tự, Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định liên kết với phường Hiệp Phú (thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trung tâm học tập cộng đồng của địa phương. Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một thiết chế văn hóa quan trọng, giúp nhân dân tại địa phương và sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, những nét đẹp văn hóa Hồ Chí Minh có thêm không gian để lan tỏa và tạo ra giá trị cho cuộc sống.

Để xây dựng, phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Đặng Văn Khoa, Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các trường đại học cần được xây dựng với những hình thức đa dạng, phát huy được những thuận lợi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra sôi động, đáp ứng được thị hiếu văn hóa, yêu cầu trải nghiệm của tầng lớp trí thức tại các cơ sở giáo dục đại học.

"Đặc biệt, không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở các trường đại học không chỉ mang lại những giá trị tinh thần mà cần phải được chuyển thành động lực nghiên cứu, học tập, lao động, sáng tạo đối với mỗi cán bộ, đảng viên, sinh viên và chuyển hóa thành sức mạnh vật chất để xây dựng đất nước. Muốn vậy, các cơ sở giáo dục đại học cần có kế hoạch hành động cụ thể và khả thi để phát huy giá trị các không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở mức cao nhất", Thạc sĩ Đặng Văn Khoa nhận định.

Về phía các trường học do thành phố Hồ Chí Minh quản lý, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một trong những nội dung trọng tâm của năm học 2022-2023. Sở đã chỉ đạo các trường học cần chủ động triển khai dựa trên đặc thù riêng về cơ sở vật chất, nguồn lực giáo viên và nhu cầu học tập của học sinh. "Thông qua việc trưng bày các hình ảnh, trình chiếu phim tư liệu, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trường học cùng chung tay xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh, qua đó góp phần định hướng lối sống, phong cách ứng xử văn hóa, nghĩa tình cho các thế hệ trẻ", ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng không gian văn hóa trong trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.