(HNM) - Trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý hàng nghìn vụ việc bạo lực, xâm hại, quấy rối phụ nữ, trẻ em gái, trong đó có nhiều vụ việc xảy ra nơi công cộng, gây bức xúc trong xã hội. Để góp phần hạn chế tình trạng này, việc xây dựng không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em được nhiều cơ quan, đơn vị chung tay thực hiện.
Kết quả khảo sát mới nhất của Tổ chức Plan International Việt Nam phản ánh một vấn đề xã hội cần quan tâm giải quyết, đó là chỉ có 13% trẻ em gái được hỏi cho biết luôn cảm thấy an toàn nơi công cộng. Còn theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), những năm gần đây, trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Phần lớn vụ việc được phát hiện đều có tính chất nghiêm trọng, trong đó có cả những vụ xảy ra ở nơi công cộng...
Đối với phụ nữ, nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam chỉ rõ, khoảng 30% phụ nữ ở nước ta từng bị bạo lực tình dục. Số đông phụ nữ từng ít nhất một lần bị quấy rối nơi công cộng, thậm chí xảy ra ở môi trường công sở. Hình thức quấy rối có thể bằng lời nói hoặc hành động, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp trên mạng xã hội...
Vấn đề xã hội nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do nhiều người còn thờ ơ, hoặc không nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề bạo lực, xâm hại, quấy rối phụ nữ, trẻ em gái nơi công cộng, nên thường im lặng... Cùng với đó là tình trạng bất bình đẳng giới còn tồn tại, khiến một bộ phận nam giới tự nghĩ rằng họ có “quyền” hơn nữ giới, nên đôi khi có thái độ, hành vi thiếu chuẩn mực đối với người khác giới. Đáng quan tâm hơn, một số nơi còn thiếu không gian công cộng bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái...
Để khắc phục, các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp, nhằm xây dựng không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trần Thị Bích Loan cho biết, cùng với việc tuyên truyền, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, tạo hành lang pháp lý nghiêm minh để kịp thời phát hiện, xử lý, chấn chỉnh những hành vi không đúng đắn đối với phụ nữ, trẻ em gái, nhất là ở nơi công cộng. Mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng cùng hệ thống tiếp nhận thông tin liên quan đến phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, bạo hành, xâm hại, quấy rối sẽ được hình thành ở nhiều nơi, qua nhiều hình thức (trực tiếp, gián tiếp), giúp nạn nhân dễ dàng phản ánh, tố giác hoặc tạm lánh khỏi môi trường thiếu an toàn khi cần.
Với không gian công cộng (công viên, xe buýt, đường giao thông...), những năm gần đây, Tổ chức Plan International Việt Nam cùng Viện Sức khỏe cộng đồng Ánh sáng Light đã triển khai thí điểm dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái”, “Hành trình an toàn cho phụ nữ tại đô thị” ở một số tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội. Những dự án này đã tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho hàng nghìn cán bộ giao thông; trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại, quấy rối tình dục ở những nơi công cộng cho hàng vạn phụ nữ, trẻ em gái.
Ngoài ra, các dự án còn hỗ trợ xây dựng hệ thống sân chơi an toàn, cộng đồng an toàn cho một số địa phương. Ở Hà Nội, những mô hình này được thí điểm triển khai tại một số xã thuộc huyện Đông Anh, thu hút sự tham gia tích cực của giới trẻ. Em Phan Thị Phương Thảo, thành viên câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, Trường Trung học phổ thông Vân Nội (huyện Đông Anh) cho hay: "Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về nội dung bình đẳng giới, bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái, giúp em hiểu rõ hơn, muốn được an toàn, trước hết bản thân nữ giới cần thay đổi. Vì thế, em cùng bạn bè tích cực tham gia câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, sẵn sàng lên tiếng khi gặp những tình huống, vấn đề đe dọa sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái”.
Với sự tham gia của nhiều ngành, nhiều phía, hy vọng, tuyệt đại đa số phụ nữ và trẻ em gái được sống, làm việc, học tập trong môi trường an toàn, thân thiện, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.