Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) TP Hà Nội lần thứ II là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định những kết quả đạt được trong công tác dân tộc, những thành tựu đáng phấn khởi tự hào của đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) TP Hà Nội lần thứ II là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định những kết quả đạt được trong công tác dân tộc, những thành tựu đáng phấn khởi tự hào của đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận công tác dân tộc trên địa bàn thành phố còn một số hạn chế, yếu kém như: Đời sống của đồng bào dân tộc nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Kết cấu hạ tầng tuy được quan tâm cải thiện song vẫn còn thiếu, giao thông đi lại đến nhiều thôn làng khó khăn. Hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi còn yếu, nhất là một số xã vùng cao chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới; công tác phối hợp, lồng ghép các chương trình, chính sách đối với đồng bào vùng dân tộc - miền núi còn chồng chéo. Mức độ quan tâm của một số ngành về công tác dân tộc và chính sách dân tộc còn hạn chế.
Để từng bước khắc phục tình trạng này, tôi đề nghị đại hội cần phân tích, đánh giá sâu những khó khăn, thiếu sót, yếu kém, nguyên nhân để từ đó tìm ra những giải pháp cụ thể đáp ứng yêu cầu đặt ra, đồng thời có kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững cho miền núi và đồng bào các dân tộc trong tương lai, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố. Về cơ bản, tôi đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ của công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc mà đại hội đã đề ra. Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, dân chủ và đổi mới, tôi đề nghị đại hội quan tâm một số nội dung trọng tâm sau:
Một là: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới đồng bào dân tộc và công tác dân tộc, Người căn dặn "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia rai hay Ê đê, Xơ đăng hay Ba na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ có nhau, no đói giúp nhau". Do đó, các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về chính sách và công tác dân tộc (đặc biệt là Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy về công tác dân tộc và mới đây nhất là Thông báo 834 của Thành ủy về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết 06); cụ thể hóa thành chương trình, hành động nhằm tập trung xây dựng vùng dân tộc và miền núi phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội, vững mạnh về quốc phòng - an ninh. Nâng cao trình độ dân trí, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số. Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hướng dẫn và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; bảo đảm an sinh xã hội. Xác định công tác dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị với quan điểm đồng bộ, toàn diện, kiên trì, hiệu quả và bền vững.
Hai là: Đảng bộ, chính quyền các huyện có đồng bào dân tộc nói riêng và các cấp, ngành thành phố nói chung cần xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án đầu tư vào vùng dân tộc - miền núi; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp; trọng tâm phát triển nông nghiệp là chăn nuôi, trồng trọt, du lịch sinh thái, kinh tế rừng; phát triển các nghề truyền thống có thế mạnh của đồng bào dân tộc.
Tập trung huy động cao nhất nguồn lực, tạo cơ chế mang tính đột phá trong đầu tư phát triển. Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu; tập trung cao cho các xã miền núi khó khăn theo Chương trình 135 của Chính phủ.
Ba là: Quan tâm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phổ biến, tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước.
Đề nghị MTTQ các cấp và các đoàn thể nhân dân tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Duy trì và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đồng thời tuyên truyền loại bỏ những hủ tục, mê tín dị đoan nhất là các hủ tục trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, đề cao cảnh giác và ngăn chặn triệt để những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, lừa gạt, lôi kéo đồng bào, làm phương hại đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Lấy xây để chống, phát huy sức mạnh lòng dân, tạo niềm tin vững chắc của đồng bào dân tộc với Đảng, Nhà nước.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số TP Hà Nội, đề nghị đồng bào chúng ta phát huy truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức tự lực tự cường, lao động sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng như đất đai, môi trường, nguồn lao động. Nêu cao tinh thần đoàn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố. Ra sức thi đua hăng hái lao động sản xuất để thoát nghèo,vươn lên làm giàu một cách chính đáng. Xứng đáng với truyền thống quý báu từ ngàn đời nay của các dân tộc chúng ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.