(HNM) - Sau khi tỉnh Quảng Bình công bố dự án xây dựng cáp treo trong khu Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, một lần nữa chuyện ứng xử với di sản thế nào lại làm "nóng" dư luận. Thực tế nhiều tuyến cáp treo đã hoạt động tại nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng, song trước công bố của tỉnh Quảng Bình nhiều người yêu di sản vẫn cảm thấy lo lắng.
Thận trọng… không thừa
Nhìn lại những di sản có hệ thống cáp treo như: Khu di tích danh thắng Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Bà Nà (Đà Nẵng), núi Sam (An Giang)…, ai cũng có thể nhận thấy những cái lợi của loại hình giao thông đặc biệt này. Đó là việc rút ngắn thời gian cho các chuyến tham quan, giảm ách tắc giao thông, tăng nguồn thu cho các doanh nghiệp và ngân sách. "Vào những ngày cao điểm, nếu không có hệ thống cáp treo hoạt động, tôi không hiểu tình trạng ách tắc, quá tải tại khu di tích danh thắng Hương Sơn sẽ đi đến đâu. Hơn thế, giá vé thu được từ cáp treo lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm đã đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách cho địa phương", Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu khẳng định.
Tương tự, hệ thống cáp treo đi vào hoạt động ở khu di tích Yên Tử từ năm 2007 được đánh giá là một trong những giải pháp tối ưu giảm ách tắc kéo dài trong dịp lễ hội đầu xuân. Với giá vé 280.000 đồng/lượt khách (khứ hồi), hệ thống cáp treo Yên Tử với công suất vận chuyển hàng nghìn lượt khách/giờ không đủ đáp ứng nhu cầu của du khách trong hội xuân Yên Tử năm 2014 đã phần nào cho thấy loại hình giao thông này được khá nhiều du khách lựa chọn trong hành trình tham quan, khám phá di sản…
Hệ thống cáp treo tại khu du lịch Bà Nà (Đà Nẵng). Ảnh: Linh Ngọc |
Trước những lợi ích như vậy, thời gian gần đây, nhiều địa phương đã có kế hoạch xây dựng hoặc mở rộng hệ thống cáp treo vào các khu du lịch di sản. Chẳng hạn như dự án xây cáp treo lên đỉnh Fanxipang thuộc huyện Sa Pa (Lào Cai); hay dự án cáp treo ngắm cảnh vịnh Hạ Long từ trên cao với điểm đầu là phường Bãi Cháy (TP Hạ Long), xuyên qua vịnh Cửa Lục rồi chạy song song theo cầu Bãi Cháy đến đỉnh đồi Ba Đèo do Tập đoàn Sun Group đề xuất và đầu tư với kinh phí dự kiến lên tới 6.000 tỷ đồng… Khi những dự án này đang vấp phải không ít ý kiến trái chiều của dư luận thì tỉnh Quảng Bình họp báo công bố dự án cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng với chiều dài 10,6km đi từ cửa động Phong Nha đến phía sau cửa hang Sơn Đoòng (cách cửa sau hang Sơn Đoòng khoảng 300m) khiến nhiều người lo ngại. Sự lo lắng này không phải không có cơ sở khi Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới, nên mọi tác động đến di sản đều phải rất thận trọng.
Mặt khác, việc xây dựng hệ thống cáp treo trong các khu du lịch di sản là bài học thất bại trong việc quản lý, phát huy giá trị di sản ở không ít di sản trên thế giới. Nước Mỹ đã phải đóng cửa vĩnh viễn hang Leschugilla nổi tiếng đối với khách du lịch để chống nguy cơ phá hoại di sản. Núi Kota Kinabalu (Malaysia) - ngọn núi cao nhất ASEAN hay núi Everest (Nepal) - núi cao nhất thế giới luôn hạn chế, chọn lọc người leo và chính sự khắt khe đó đã mang tới thương hiệu du lịch và lợi nhuận khổng lồ cho những địa phương này. "Cách xây cáp treo ở di sản để phát triển du lịch đã hết "mốt" từ lâu trên thế giới bởi người ta đã thấy được hậu quả khi phá hoại cảnh quan di sản, thiên nhiên. Vì thế, việc xây dựng hệ thống cáp treo trong các khu du lịch di sản cần được tính toán hết sức thận trọng", Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Anh Tuấn nhận định.
Với du khách, việc đi cáp treo tham quan di sản giúp họ tiết kiệm được thời gian, công sức hơn, nhưng khi ra về, không ít người cảm thấy chưa thực sự hài lòng hoặc còn thấy thiếu thứ gì đó vì họ chưa thể khám phá di sản đến tận cùng, nhất là với những di sản văn hóa, tâm linh. Cái mất này thật khó có thể định lượng.
Hài hòa lợi ích
Trở lại dự án xây dựng cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng, theo thông tin từ các cơ quan chức năng, đến thời điểm này, Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch, Văn phòng UNESCO… đều chưa nhận được báo cáo chính thức về việc xây dựng cáp treo trong vùng lõi di sản. Điều đó đồng nghĩa với việc dự án đã tiến hành khảo sát trong nhiều tháng, đã lên kế hoạch chi tiết, đã đưa ra nguồn vốn dự toán rất rõ ràng, nhưng lại chưa tham khảo ý kiến đóng góp cũng như đánh giá mức độ ảnh hưởng đến di sản từ các cơ quan có thẩm quyền. Trước sự việc trên, UNESCO đã yêu cầu tỉnh Quảng Bình giải trình và trình hồ sơ thiết kế dự án để thẩm định. "Theo quy định, tỉnh Quảng Bình và đơn vị đầu tư phải giải trình và trình hồ sơ thiết kế thi công dự án cáp treo trong Di sản Phong Nha - Kẻ Bàng. Sau đó, UNESCO sẽ cử đoàn chuyên gia sang thẩm định và đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam nên hay không nên thực hiện dự án đó, chứ không thể công bố dự án sau đó mới báo cáo như cách Quảng Bình đang làm", bà Dương Bích Hạnh (Văn phòng UNESCO tại Việt Nam) cho biết. Về phía Bộ VH-TT&DL, những người có trách nhiệm khi được hỏi đều khẳng định quan điểm "cứ đúng Luật Di sản mà làm". Qua đó có thể thấy, việc tôn trọng và ưu tiên bảo tồn di sản được các nhà quản lý văn hóa đặt lên hàng đầu.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia về di sản, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đặng Văn Bài cho rằng: Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới nên việc bảo tồn di sản phải đặt lên trên hết, không thể hy sinh bảo tồn cho phát triển. "Vì thế, việc xây dựng cáp treo trong Di sản Phong Nha - Kẻ Bàng nói riêng, việc khai thác di sản để phục vụ phát triển du lịch, kinh tế, xã hội nói chung cần được tính toán sao cho hài hòa các lợi ích", ông Đặng Văn Bài nói.
Trên thực tế, việc xây dựng cáp treo trong khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh) hay khu thắng cảnh Hương Sơn (Hà Nội)… cũng đã gặp phải những ý kiến trái chiều. Vì lẽ đó, việc khai thác di sản bằng cách xây dựng hệ thống cáp treo hay cách nào đi nữa đều cần phải nghiên cứu một cách thận trọng nhằm hạn chế những tác động có thể tổn hại di sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.