Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng gia đình hạnh phúc: Trách nhiệm của những người trẻ

Minh Ngọc| 26/06/2013 06:26

(HNM) - Trước những nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững của gia đình, Chính phủ đã chọn năm 2013 là Năm Gia đình Việt Nam với chủ đề

Bạo lực gia đình không thuyên giảm

Từ xưa đến nay, trong mỗi gia đình Việt Nam luôn hiện hữu và hài hòa các mối quan hệ: Vợ - chồng, cha mẹ - con cái, ông bà - con cháu, gia đình với họ hàng, cộng đồng, làng xóm, với Nhà nước. Bởi thế, gia đình có vai trò quan trọng đối với sự hình thành, phát triển nhân cách của các thành viên và là một tế bào của xã hội. Thế nhưng, những giá trị bền vững của gia đình đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ.

Giới trẻ có vai trò, trách nhiệm không nhỏ trong việc xây dựng, củng cố và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.



Theo phân tích của Vụ Gia đình (Bộ VH,TT&DL), khi xã hội phát triển, mức sống của các gia đình nâng lên đồng nghĩa với việc các thành viên phải dành nhiều thời gian và công sức để thực hiện chức năng kinh tế. Lẽ tất nhiên, khi các gia đình trẻ mải mê, đề cao chức năng kinh tế thì sẽ sao nhãng các chức năng khác, trong đó có chức năng giáo dục con cái. Điều này lý giải tại sao 70% trẻ em vị thành niên vi phạm pháp luật do gia đình không yên ấm, cha mẹ thiếu quan tâm tới con cái dẫn đến bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng. Hơn thế, sự mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình ngày càng rõ nét khi nhiều bậc ông bà, cha mẹ thậm chí không hiểu vì sao con cháu mình lại có những hành vi, ngôn ngữ ứng xử mà theo họ là "không thể chấp nhận được". Cũng theo đánh giá của Vụ Gia đình, xu hướng mỗi thế hệ nhìn về một phía (người lớn thường có tâm lý chưa thật tin cậy ở thế hệ trẻ, còn con cái lại tìm mọi cách để khẳng định mình) nếu không sớm được khắc phục sẽ dẫn đến những xung đột trong suy nghĩ, lựa chọn giá trị, chuẩn mực và hành vi giữa các thành viên trong gia đình. Bức tranh gia đình vì thế sẽ ảm đạm; bệnh vô cảm vì thế mà hình thành trong những người thân thích rồi lan tỏa ra cộng đồng.

Không những thay đổi về mặt chức năng, nạn bạo lực trong gia đình không hề thuyên giảm. Ông Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới cho biết: Kết quả điều tra năm 2006 cho thấy, 21,2% gia đình ở Việt Nam xảy ra một trong ba loại hành vi bạo lực (đánh, mắng, chửi và phải chấp nhận quan hệ tình dục khi không mong muốn), phần lớn phụ nữ là người phải hứng chịu. Hiện nay, con số này hầu như không thay đổi, thậm chí 50% số phụ nữ khi được hỏi còn cho rằng chồng có thể mắng chửi nếu vợ làm trái ý chồng, không chăm sóc chồng con, ăn tiêu hoang phí, lười biếng… Hành vi bạo lực đối với phụ nữ sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như: Đe dọa sự an toàn của các thành viên; rạn nứt quan hệ, tan vỡ gia đình; ảnh hưởng tới sự phát triển của con trẻ; tăng chi phí xã hội (mất 1,41%GDP); tác động tiêu cực tới sự ổn định của cộng đồng…

Vai trò của giới trẻ

Nhiều năm làm công tác quản lý nhà nước về gia đình, Phó Vụ trưởng Vụ gia đình Hoa Hữu Vân chỉ rõ, đội ngũ thanh niên chính là lực lượng có vai trò, trách nhiệm, có khả năng "hóa giải" những mâu thuẫn, thách thức của gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Minh chứng cho nhận định này, chị Lương Thị May Huyền, dân tộc Thái, công tác tại Đài Truyền thanh huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết: Một vài năm trước, những chuyện tưởng chừng chỉ có trong hồ sơ các vụ án hay như báo chí đưa tin ở tỉnh này, thành phố kia, thì nay chuyện con cái giết cha mẹ vì tiền, vì đất, bạo lực gia đình trong công chức trẻ… đều xảy ra ở Tương Dương. Trước thực trạng này, huyện Tương Dương đã thành lập các CLB gia đình hạnh phúc, CLB nuôi con khỏe, dạy con ngoan, CLB nói tiếng mẹ đẻ; xây dựng các mô hình gia đình, dòng họ hiếu học, phòng chống ma túy và thực hiện tuyên truyền các quy định của pháp luật về công tác gia đình cho các gia đình trẻ, cho những người sắp lập gia đình thông qua các buổi sinh hoạt. Nhờ đó, cộng đồng dân cư trong huyện không những nâng cao ý thức xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình mà còn góp phần lưu giữ giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số.

Tương tự, Phó Bí thư Huyện đoàn Đông Giang (Quảng Nam) Đỗ Hữu Tùng cho hay: Thanh niên là đối tượng dễ tiếp nhận, tiếp thu những cái mới, cái hay, cái tiến bộ nên Huyện đoàn Đông Giang đã tập trung tuyên truyền cho thanh niên nhận ra giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương cần phải lưu giữ và những hủ tục, tập tục lạc hậu cần phải loại bỏ. Khi hiểu ra, một lực lượng lớn thanh niên dân tộc Cơtu đã chung sức cùng các ngành chức năng khôi phục làng nghề truyền thống Gươl, điệu múa Tơtung dadá, phục dựng nghề dệt thổ cẩm; loại bỏ hủ tục tảo hôn, thách cưới… "Từ một huyện miền núi nghèo nàn, lạc hậu, nhờ đổi mới nếp nghĩ, cách sống, nếp sống văn minh ở Đông Giang đang từng bước hình thành. Toàn huyện hiện có 73,7% số gia đình được công nhận gia đình văn hóa và con số này chắc chắn sẽ tăng dần hằng năm" - anh Đỗ Hữu Tùng khẳng định.

Còn cặp vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Hùng - Trương Hoài Thu cùng công tác ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: Vợ chồng trẻ hiện nay ai cũng có cái tôi cá nhân rất lớn, nếu không biết lắng nghe, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau tìm hướng giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống thì mâu thuẫn nhỏ sẽ tích tụ thành lớn. Cũng theo cặp vợ chồng này, gia đình trẻ muốn chung sống hạnh phúc phải "nói không" với bạo lực gia đình và cùng nhau quan tâm, chăm sóc gia đình hai bên.

Một vài dẫn chứng trên cho thấy, chức năng, cấu trúc của gia đình Việt Nam đã và đang thay đổi. Sự thay đổi này tuy là tất yếu, song cũng cần có sự điều chỉnh, định hướng để bảo vệ những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng gia đình hạnh phúc: Trách nhiệm của những người trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.