Sáng 11-10, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) với sự có mặt của hơn 300 đại biểu là đại diện cho giới doanh nhân toàn quốc.
Theo VCCI, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân có khoảng 900 nghìn doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 60% GDP; tạo việc làm cho gần 14,8 triệu lao động. Năm 2022, tổng vốn của doanh nghiệp đạt gần 50,91 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu thuần gần 27,4 triệu tỷ đồng. Đội ngũ doanh nhân cả nước hiện có khoảng 2-3 triệu người. Nếu tính tất cả hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân Việt Nam có thể lên tới 10 triệu người.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước lớn mạnh cả về quy mô, số lượng cũng như hiệu quả hoạt động, không ngừng cải thiện sức cạnh tranh. Đến nay, đã xuất hiện không ít doanh nghiệp tư nhân lớn với thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới. Một số tên tuổi tiêu biểu như Tập đoàn THACO, Vingroup, Viettel, FPT, Vietcombank, BIDV, BRG, Geleximco, Vinamilk…
Song, thực tế cũng cho thấy một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp còn đối diện nhiều khó khăn, chủ yếu do hạn chế trong công tác quản trị/điều hành, thiếu vốn, thiếu thị trường, công nghệ lạc hậu bên cạnh những nguyên nhân khách quan như mất thị trường, lạm phát trên bình diện thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng…
Điều đó đặt ra yêu cầu cần tập trung cải thiện “sức khỏe” toàn diện cho doanh nghiệp trên cơ sở “gạn đục khơi trong”, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm tấn Công, từ năm 2004 đến nay, dịp 13-10 được coi là “ngày Tết” của giới Doanh nhân Việt Nam. Dịp kỷ niệm năm nay, đội ngũ doanh nhân vui mừng đón nhận Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa ký ngày 10-10-2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết này có nhiều nội dung mới, sâu sắc về quan điểm, định hướng, tầm nhìn và giải pháp phát triển của đội ngũ doanh nhân…
Những nội dung này rất trúng với mong đợi, khát vọng của doanh nhân và xã hội đồng thời phù hợp với yêu cầu xây dựng đội ngũ doanh nhân xứng tầm thời đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trong đó, nhấn mạnh các yếu tố, điều kiện thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển như sự an toàn, minh bạch về chính sách, quy định pháp luật; không hình sự hóa quan hệ kinh tế; tăng cường tính phản biện, tham góp vào xây dựng chính sách, công tác điều hành…
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An chia sẻ, Nghị quyết số 41-NQ/TW vừa được ký ban hành nhấn mạnh và khẳng định doanh nhân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết trên nêu rõ, các cấp ủy Đảng xây dựng, cổ vũ, tôn vinh đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có ý chí tự cường. Phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam gắn với cộng đồng đồng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nhân phát triển...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.