(HNM) - Năm Kỷ cương hành chính 2013, thành phố Hà Nội đã có những yêu cầu cụ thể, gắn với trách nhiệm trong công việc của người cán bộ, công chức.
Song thực tế vẫn tồn tại hiện tượng CBCC, trong đó có nhiều cán bộ trẻ chưa thực sự tâm huyết với nghề, thiếu ý thức học hỏi nâng cao trình độ. Thậm chí, không ít CBCC trẻ còn gây phiền hà cho người dân khi giải quyết các thủ tục hành chính. Vậy, nguyên nhân do đâu và vai trò của tổ chức đoàn như thế nào để giúp CBCC trẻ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao?
Các cơ quan, đơn vị tạo môi trường làm việc thuận lợi giúp CBCC trẻ rèn luyện và trưởng thành. Ảnh: Viết Thành |
Theo Phó Bí thư đoàn Văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Danh Tới, không ít CBCC có trình độ chuyên môn nhưng thiếu khả năng phối hợp, làm việc nhóm, chưa chú trọng rèn luyện phẩm chất, đạo đức, nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với công việc. Đây là nguyên nhân khiến một số CBCC trẻ chưa thực sự tâm huyết với nghề, quan liêu, gây phiền hà cho nhân dân... Bí thư Chi đoàn 4, Đoàn Thanh niên Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Khắc Bình cho biết, Cục Thuế có gần 200 đoàn viên thanh niên, bên cạnh số tích cực vẫn còn một bộ phận yếu về kỹ năng nghiệp vụ, có biểu hiện lệch chuẩn về quan điểm, lối sống, đạo đức và kỷ luật, giờ giấc chưa nghiêm, tác phong chưa nhanh nhẹn, làm việc chưa khoa học. Đáng lo ngại là ở một số đoàn viên đang dần mất đi tinh thần "lăn xả", đi đầu, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Phân tích những bất cập trên, Phó Bí thư Chi đoàn Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiệp cho rằng, yếu tố gia đình tác động mạnh đến lòng nhiệt huyết và sự nỗ lực, phấn đấu trong công việc của CBCC trẻ. Theo Tiệp, hiện nay tư tưởng bất bình đẳng với phụ nữ còn khá phổ biến, nữ CBCC vẫn khó phấn đấu hơn đồng nghiệp nam khi vừa phải tròn vai với gia đình vừa lo sự nghiệp. Đồng tình với ý kiến này, nhiều cán bộ đoàn phản ánh thêm, xã hội hiện đại đòi hỏi người phụ nữ cũng làm việc và phấn đấu như nam giới, song theo số liệu điều tra cho thấy, hơn 80% nữ CBCC phải ôm các việc nội trợ, chăm sóc con, gia đình nội, ngoại... Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến một bộ phận CBCC trẻ thiếu nhiệt huyết trong công việc, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực còn do tác động của yếu tố khách quan. Đó là môi trường làm việc; phương thức quản lý, điều hành của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cơ chế chính sách đãi ngộ chưa phù hợp, cơ chế khen thưởng - kỷ luật chưa rõ ràng, khách quan. Chưa kể, đến nay vẫn chưa có chế tài quy định ràng buộc đối với việc CBCC về việc phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác, nâng cao trình độ để đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc được phân công. Đáng lo ngại, những bất cập, hạn chế trong CBCC trẻ không chỉ ở một mà là ở nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nhạy cảm như tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính, cấp giấy phép...
Làm gì để xóa bỏ tình trạng trên và giải pháp nào xây dựng người CBCC trẻ tiêu biểu, thực sự là công bộc của nhân dân? Bí thư Đoàn khối các cơ quan TP Hà Nội Phạm Thị Nguyên Hạnh cho biết, Đoàn khối đã triển khai xây dựng tiêu chí người CBCC trẻ tiêu biểu. Không chỉ có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn vững mà cần có năng lực tổ chức, phối hợp điều phối công việc và sự quyết đoán, dám ra quyết định, dám chịu trách nhiệm. Yêu cầu đặt ra đối với CBCC trẻ tiêu biểu phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, ứng xử thanh lịch, văn minh… Để đạt được các tiêu chí này, Đoàn khối xác định tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu, cùng với đó là ban hành các quy định ràng buộc của tổ chức đoàn để triển khai tới hơn 3.000 đoàn viên toàn khối. Trong thời gian tới, Đoàn khối các cơ quan thành phố đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đoàn viên, thanh niên. Mặt khác, Đoàn khối tăng cường phối hợp và đề nghị cấp ủy, thủ trưởng cơ quan đơn vị, ngành tạo môi trường làm việc thuận lợi, đi đôi với đó là phân công nhiệm vụ khó gắn với cơ chế thưởng "nóng" để CBCC trẻ rèn luyện và trưởng thành.
Đoàn khối các cơ quan thành phố cũng yêu cầu các cơ sở đoàn mạnh dạn tham mưu cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị đánh giá khách quan năng lực của CBCC trẻ để bổ nhiệm vào những vị trí xứng đáng, tạo đòn bẩy cho họ phấn đấu. Cùng với quyền lợi, các cơ quan, đơn vị có cơ chế khuyến khích CBCC trẻ học tập nâng cao trình độ, coi hiệu quả công việc là tiêu chí đánh giá thi đua, thúc đẩy sự cống hiến của CBCC trẻ, đồng thời có các quy định xử lý nhằm răn đe những ai không cầu tiến, thiếu tu dưỡng, rèn luyện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.