Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng doanh nghiệp mạnh để thành phố Hồ Chí Minh phát triển

Nam Trung| 13/01/2022 07:43

(HNMO) - Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, với tỷ lệ đóng góp ngân sách lớn. Thành phố có số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước, nhưng lại chưa có doanh nghiệp lớn, xứng tầm vị thế của thành phố. Bước sang năm 2022, việc xây dựng “đầu tàu của đầu tàu” đã được các cấp, các ngành của thành phố đặt ra và từng bước thực hiện.

Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, với số doanh nghiệp chiếm 1/3 và số doanh nhân chiếm 1/2 cả nước.

Cần có doanh nghiệp mạnh

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có hơn 457.000 doanh nghiệp, chiếm 1/3 số doanh nghiệp cả nước, với tổng số vốn điều lệ hơn 7.911 tỷ đồng. Số lượng doanh nhân khoảng 500.000 người, chiếm 1/2 lượng doanh nhân cả nước.

Tuy nhiên, 98% số doanh nghiệp của thành phố là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Lê Hữu Nghĩa cho rằng, các doanh nghiệp của thành phố cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa để phát triển lớn mạnh hơn.

Nói rõ hơn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khẳng định doanh nghiệp trong thành phố là đầu tàu kinh tế của cả nước phải giống như nguồn năng lượng đặc biệt để giúp đầu tàu tăng tốc. Vì thế, sức mạnh doanh nghiệp phải được đo dựa trên cấu trúc sức mạnh, vị thế thị trường, năng suất, công nghệ, khả năng đổi mới sáng tạo, chất lượng lao động…, chứ không đơn thuần là đo số lượng doanh nghiệp.

Phần lớn doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh là doanh nghiệp nhỏ, chưa tương xứng vị thế của thành phố.

Theo đánh giá của UBND thành phố Hồ Chí Minh, qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 29-CTrHĐ/TU ngày 21-12-2012 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân thành phố Hồ Chí Minh không ngừng lớn mạnh, chất lượng ngày càng nâng lên, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tham gia giải quyết việc làm cho người lao động, duy trì an sinh xã hội.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng nhận định, đội ngũ doanh nhân thành phố chưa đồng đều, khả năng hội nhập, cạnh tranh quốc tế còn yếu. Một bộ phận doanh nhân còn thiếu nguồn lực tài chính, kinh nghiệm và năng lực quản lý... để phát triển doanh nghiệp.

“Ngoài nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp, doanh nhân, còn có nguyên nhân khách quan là nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chưa thống nhất. Hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế, cải cách hành chính chưa đáp ứng tốt như đòi hỏi của doanh nghiệp. Đây là những vấn đề cần tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới”, bà Phan Thị Thắng cho biết.

Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi đối thoại giải quyết các vướng mắc cùng doanh nghiệp.

Đề xuất nhiều giải pháp

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, doanh nghiệp là một trong những động lực chính giúp thành phố Hồ Chí Minh phát triển, nhưng việc hình thành “đầu tàu của đầu tàu” này như thế nào thì chưa được các cấp chính quyền xác định rõ. Cùng với đó, để doanh nghiệp phát triển, cần chấm dứt tình trạng doanh nghiệp “xin” cơ chế, chính sách, mà chuyển sang việc chính quyền chủ động “cấp” chính sách tốt, hỗ trợ tốt để doanh nghiệp phát triển; hoặc doanh nghiệp cùng chính quyền xây dựng chính sách chung để đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

Từ một góc nhìn khác, bà Phan Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân thành phố Hồ Chí Minh (HAWEE) nhận định, những hạn chế của doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh có một phần nguyên nhân là đội ngũ doanh nhân chưa được đào tạo để có trình độ đúng tầm. Bà Phan Thị Tuyết Mai kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh xem xét xây dựng một trường đào tạo doanh nhân, giúp doanh nhân được tiếp cận đầy đủ các kiến thức về quản lý, tài chính, pháp luật và học hỏi từ những doanh nghiệp lớn, doanh nhân thành công.

Các cấp, các ngành thành phố Hồ Chí Minh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân vì sự phát triển chung.

Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng quốc tế, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế lớn của thế giới, doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần có trình độ tương ứng để kết nối quốc tế, có đủ sức mạnh để cạnh tranh và phát triển. Cùng với hỗ trợ vốn, việc học tập nâng cao trình độ cũng là vấn đề doanh nghiệp, doanh nhân cần các cấp chính quyền giúp sức.

Với những đề xuất nêu trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng nhấn mạnh: “Thành phố đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự phát triển chung. Trong năm 2022, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng thêm những cơ chế, chính sách phù hợp, thành phố sẽ sớm có giải pháp trong đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nhân để doanh nghiệp phát triển lớn mạnh, bền vững hơn”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng doanh nghiệp mạnh để thành phố Hồ Chí Minh phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.