(HNM) - Cấu trúc cảnh quan đan xen “làng trong đô thị” và “đô thị trong làng” đã và đang hình thành rõ nét tại các huyện hướng tới tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Những biến đổi không gian kiến trúc cảnh quan này được các chuyên gia nhìn nhận, phân tích để định hướng các giải pháp quản lý hữu hiệu, hài hòa “Làng trong đô thị” và “đô thị trong làng”.
Những biến đổi khó kiểm soát
Với ranh giới sát khu đô thị trung tâm thành phố Hà Nội, đạt chuẩn nông thôn mới hoặc nông thôn mới nâng cao, các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng đã và đang triển khai quy hoạch chi tiết trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn, phục vụ quản lý đầu tư xây dựng, quản lý không gian kiến trúc cảnh quan khu vực theo quy hoạch.
Theo kiến trúc sư Lã Hồng Sơn, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, thời gian qua, đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa và hiện đại hóa góp phần hình thành những cấu trúc không gian mới. Quá trình đô thị hóa nhanh tại các đô thị lớn “nuốt chửng” nhiều làng cả về địa giới hành chính lẫn yếu tố kinh tế, văn hóa và xã hội. Điều này khiến không gian cảnh quan làng khó có khả năng cải tạo động bộ với hạ tầng đô thị và thường trở thành những khu vực chỉnh trang trong quá trình phát triển đô thị. Ngoài ra, sự chuyển hóa mạnh mẽ về hình thái kiến trúc tại khu vực giáp ranh giữa làng với khu đô thị đã hình thành cấu trúc cảnh quan “làng trong đô thị”. Trong khi đó, tại khu vực trung tâm của làng, cấu trúc “đô thị trong làng” được hình thành bởi hiện tượng “nhà lô hóa” với các dãy phố mới thay thế cho hình ảnh công trình kiến trúc truyền thống có mật độ xây dựng thấp với nhiều diện tích sân, vườn, cây xanh.
“Ở cả hai hình thái này, người dân thường tự phát trong việc chuyển đổi tổ chức không gian và hình thái kiến trúc theo nhu cầu thực tế của từng gia đình mà thiếu vai trò định hướng của các cơ quan chuyên môn. Các đơn vị tư vấn lập quy hoạch và thiết kế kiến trúc chưa thực sự quan tâm nghiên cứu sâu các giá trị bản địa cho các giải pháp kiến trúc đưa ra. Từ đó dẫn đến việc mẫu nhà đô thị dần thay thế các hình thái kiến trúc mang đậm giá trị bản sắc tại các vùng nông thôn”, kiến trúc sư Lã Hồng Sơn nhận diện thực trạng.
Cần lời giải khách quan, khoa học và không duy ý chí
Đó là quan điểm của kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam trước câu hỏi: Giải pháp nào để bảo tồn giá trị không gian kiến trúc, cảnh quan làng truyền thống của Hà Nội trong quá trình phát triển? Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nêu: “Lịch sử đô thị Hà Nội là lịch sử phát triển từ làng lên phố và trong phố có làng. Nhiều ngôi nhà hai, ba tầng kiến trúc hiện đại, tiện nghi sẽ mọc lên thay thế ngôi nhà ba gian hai chái lợp ngói cũ kỹ. Nhiều con đường làng nhỏ hẹp lát gạch nghiêng xưa cũ sẽ trở thành những con đường bằng bê tông rộng rãi với hệ thống tiêu thoát nước, thuận tiện cho hoạt động sản xuất và cuộc sống của một nông thôn mới. Nhưng chúng ta phải cố gắng giữ gìn các thành tố cơ bản tạo nên cấu trúc làng Việt truyền thống, trong đó có các di tích vật thể như đình, đền, chùa, miếu, ao làng, giếng làng, không gian cảnh quan cây xanh, mặt nước…”.
Những năm gần đây, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã bảo trợ một số cuộc thi hướng tới kiến tạo nhà ở nông thôn, trong đó có khu vực Hà Nội và Đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều tác phẩm được trao giải đã thể hiện được sự sáng tạo phù hợp với từng vùng miền, ứng dụng các giải pháp xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, mà vẫn giữ được nét đặc trưng văn hóa địa phương. Tuy nhiên, từ bản vẽ ra đến thực tiễn vẫn luôn là khoảng cách quá xa bởi nhiều khó khăn, vướng mắc cả chủ quan và khách quan.
Ông Nguyễn Tiến Minh (thôn Phúc Tiến, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất) cho biết, việc ứng dụng các mẫu thiết kế nhà ở cho nông thôn gần như không đến được với người dân. Người dân thường tự ý xây dựng dựa theo các hình mẫu du nhập và lai tạp mà ít dựa trên giá trị và nét đẹp văn hóa truyền thống. Cách thức này vẫn đang được lan truyền trong cộng đồng nông thôn, càng làm cho cảnh quan tại làng quê thiếu bản sắc.
Ở góc độ quản lý tại địa phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng Phạm Văn Khôi cho biết, với định hướng phát triển thành quận, các khu dân cư hiện hữu của huyện Đan Phượng sẽ được phát triển theo hướng đô thị hóa, không gian nông thôn sẽ được giữ gìn và phát huy giá trị hiện có, như: Bảo tồn và phát huy các giá trị của 155 di tích, hệ thống ao hồ được cải tạo, chỉnh trang, bảo đảm vệ sinh môi trường. Hệ thống giao thông nội bộ các khu dân cư hiện hữu sẽ được cải tạo, chỉnh trang kết hợp nâng cấp hệ thống thoát nước, chiếu sáng, đồng thời được kết nối với giao thông phía ngoài bằng các đường giao thông quanh các làng xã hiện hữu, đến các đường giao thông trục chính.
Theo kiến trúc sư Lã Hồng Sơn, định hướng giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc và cảnh quan tại các huyện hướng tới các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu của Thủ đô trong thời gian tới cần bám sát các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT và các quyết định của UBND thành phố Hà Nội, bảo đảm phù hợp với Quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD và phù hợp quy hoạch thành phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mục tiêu phát triển, với trọng tâm là công tác quy hoạch xây dựng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.