(HNM) - Những năm gần đây, yếu tố xanh trong các dự án bất động sản của Việt Nam đã được quan tâm và phát triển nhiều hơn. Với lợi ích thiết thực là hạn chế tác động xấu tới môi trường, các công trình xanh còn đem đến điều kiện sống tốt hơn cho người sử dụng. Tuy nhiên, việc phát triển các công trình xanh ở nước ta vẫn chỉ là những bước khởi đầu.
Mới có hơn 100 công trình xanh
Theo PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị xanh Việt Nam, công trình xanh được hiểu là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm xây dựng, thiết kế, thi công, sử dụng, vận hành... đều đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, tài nguyên nước, vật liệu. Thêm vào đó, công trình sản sinh ra chất thải làm ô nhiễm môi trường ít nhất và tạo điều kiện sống tốt nhất cho người sử dụng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc xây dựng, phát triển các công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Để phát triển công trình xanh, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nhiều cây xanh, mặt nước chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ; mà công trình cần sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch.
Theo bà Nguyễn Thu Nhàn, Quản lý Chương trình phát triển công trình xanh (Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC), trước biến đổi khí hậu, công trình xanh đang mở rộng tầm ảnh hưởng ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, nổi bật hơn cả là các nước phát triển. Trong đó, tại các nước phát triển, nhóm các tòa nhà thương mại chiếm tỷ trọng tăng trưởng công trình xanh cao nhất.
Còn tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), công trình xanh bắt đầu phát triển từ khoảng 10 năm trước, cùng với sự xuất hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp, tòa nhà văn phòng… Những năm gần đây, xuất hiện thêm xu hướng phát triển các dự án bất động sản, nhà ở, trường học xanh. Cả nước hiện có hơn 100 công trình xanh được chứng nhận bởi các hệ thống đánh giá công trình xanh khác nhau. Trong đó, có một số hệ thống đánh giá phổ biến tại Việt Nam như: LEED (Hội đồng Công trình xanh Mỹ), GREEN MARK (Hội đồng Công trình xanh Singapore); LOTUS (Hội đồng Công trình xanh Việt Nam), EDGE (IFC, thuộc Ngân hàng Thế giới)…
Ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc nghiên cứu và phát triển Tập đoàn Capital House - chủ đầu tư dự án EcoHome 3 (quận Bắc Từ Liêm) - công trình đạt chứng chỉ xanh EDGE) cho biết: Dự án EcoHome 3 khi đạt chứng chỉ xanh đã tiết kiệm khoảng 25% năng lượng, 36% nước và gần 32% năng lượng hàm chứa trong vật liệu. Việc thiết kế cảnh quan theo hướng xanh tại dự án cũng góp phần giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.
Vẫn còn nhiều thách thức
Ông Nguyễn Trọng Thức, Quản lý cấp cao Bộ phận nghiên cứu và tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam (thuộc Tập đoàn Đầu tư và Dịch vụ bất động sản Mỹ) cho biết, mặc dù đã có hơn 100 dự án bất động sản được cấp chứng nhận công trình xanh tại Việt Nam, song con số này còn khiêm tốn so với sự tăng trưởng của thị trường xây dựng.
Ông Nguyễn Công Thịnh cho rằng, có nhiều rào cản trong phát triển công trình xanh tại Việt Nam như: Chưa có quy định bắt buộc, hoặc khuyến khích đủ mạnh để phát triển công trình xanh, đặc biệt là với các công trình xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước; nhận thức về công trình xanh còn hạn chế (kể cả cơ quan quản lý, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, thi công, xây dựng, người sử dụng); các rào cản về kỹ thuật và đầu tư, ứng dụng công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực tiết kiệm nhiên liệu, công trình xanh áp dụng trong các công trình xây dựng.
Trong khi đó, ông Trịnh Tùng Bách cho biết: “Nhắc đến xanh, mọi người đều nghĩ rất đắt (chi phí - PV), hoặc nhiều cây xanh. Đôi khi chúng ta chỉ nghĩ về công trình xanh với những giải pháp cao cấp, công nghệ, nguyên vật liệu đắt đỏ… mà quên mất việc áp dụng những giải pháp thiết kế thụ động, những ứng dụng thiết kế thông minh”. Cũng theo ông Bách, việc xây dựng công trình xanh trong thực tế có nhiều thách thức như: Chi phí phụ trội cho áp dụng các tiêu chí xanh và hiệu quả kinh tế; quy trình thủ tục phức tạp, tốn kém... Ngoài ra, nhiều người mua căn hộ chỉ tìm vị trí đẹp, giao thông thuận tiện mà hoàn toàn không quan tâm đến yếu tố xanh như chủ đầu tư dùng đèn gì, tiết kiệm nước ra sao…
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cho biết thêm, tâm lý của người mua nhà ở Việt Nam còn thói quen chọn giá thành làm tiêu chí quan trọng. Yếu tố lợi ích lâu dài, tiết kiệm và tính bền vững của công trình, tăng chỉ số sức khỏe, chỉ số hạnh phúc đối với phần lớn cộng đồng còn rất ít thông tin và cũng ít được quan tâm.
Với những ưu điểm mà công trình xanh mang lại, xu hướng xây dựng công trình xanh sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, để loại hình này phát triển nhanh chóng hơn, cần các chính sách khuyến khích. Theo ông Nguyễn Công Thịnh, nếu có cơ chế, chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ phát triển mạnh công trình xanh trong thời gian tới và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng. Bộ Xây dựng đang giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển loại hình này để trình cấp thẩm quyền xem xét ban hành. Chính sách này sẽ định hướng và quy định các vấn đề liên quan đến yêu cầu phát triển công trình xanh trong các công trình xây dựng mới, hoặc công trình cải tạo, đặc biệt là các công trình có quy mô lớn; đầu tư xây dựng thử nghiệm một số công trình xanh từ vốn ngân sách, từ đó tổng kết, đánh giá, đề xuất chính sách phát triển...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.