Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng cơ sở, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu

Ngọc Quỳnh| 07/12/2022 13:23

(HNMO) - Ngày 7-12, Tổ điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức diễn đàn về xây dựng cơ sở, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu; nhìn lại 1 năm đáp ứng Lệnh 248 và 249.

Mở đầu diễn đàn, ông Trần Văn Cao, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký nhiều Nghị định thư quy định về kiểm dịch và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến và thông báo nhập khẩu thí điểm chanh leo từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Diễn đàn Kết nối nông sản 970 với chủ đề xây dựng cơ sở, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu, sáng 7-12. Ảnh: Báo Nhân Dân

Theo đó, một trong những yêu cầu của các quy định này là cơ sở sản xuất phải có mã vùng trồng, vùng nuôi, mã cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt nhằm quản lý về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, triển khai thực hiện Lệnh 248 và 249, năm 2022, số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số tại địa phương đã tăng vượt bậc (28 mã số vùng trồng, 3 cơ sở đóng gói).

 Sầu riêng được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Đại diện Công ty cổ phần Nafoods Group chia sẻ, chanh leo và sầu riêng là hai sản phẩm chủ lực của đơn vị. Khi các ngành chức năng triển khai Lệnh 248 và 249, Nafoods Group đã chủ động tiếp cận thông tin để phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó có Cục Trồng trọt và các chi cục để xúc tiến liên kết, phát triển vùng trồng, bảo đảm quản lý an toàn phục vụ xuất khẩu. Nafoods đã thiết lập 600ha sản xuất chanh leo an toàn. Mục tiêu năm 2023 có thể đạt diện tích 2.000ha có mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin, sau gần 1 năm thực hiện Lệnh 248 có hiệu lực, tính đến ngày 5-12, có 2.426 mã sản phẩm được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Trong đó, 1.236 mã sản phẩm thuộc nhóm 18 mặt hàng đăng ký qua cơ quan thẩm quyền (chiếm 50,9%); phần còn lại 1.190 mã sản phẩm không thuộc danh mục phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền. Trong số hai nhóm này, sản phẩm thủy sản được Hải quan Trung Quốc thông qua nhiều nhất, tiếp đến là sản phẩm hạt (hạt điều, cà phê...) và các sản phẩm dầu thực vật, bánh bột...

Việc xây dựng mã số vùng trồng đã có những kết quả nhất định nhưng vẫn có dấu hiệu gian lận mã số vùng trồng. Chưa kể, còn có doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ Lệnh 248 và 249 nên khi triển khai đăng ký còn nhiều lúng túng, dẫn đến chậm thông quan; hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu vẫn ở sản phẩm thô, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Công tác triển khai, thực hiện cấp mã số đang gặp khó khăn do vùng trồng còn nhỏ lẻ, thiếu nguồn lực để định vị, xác định vùng trồng, từ đó dẫn đến việc khó quản lý các vùng trồng...

Các đại biểu kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hướng dẫn cụ thể việc cấp, quản lý mã số vùng trồng để địa phương thuận lợi áp dụng, thực hiện hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, tạo sự minh bạch trong sản xuất, cung ứng, không để gian lận trong việc sử dụng mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần cùng phối hợp để tạo dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng bảo đảm chất lượng, sản lượng khi cung ứng cho đối tác Trung Quốc...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ sở, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.