Đặc trưng của kinh tế số là sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử. Điều đó đặt ra nhiều thách thức đối với quản lý thuế. Xây dựng cơ sở dữ liệu trong quản lý thuế được xem là giải pháp cần thiết và cấp bách nhằm tăng thu cho ngân sách. Đây cũng là công cụ, cơ chế quản lý theo rủi ro nhằm ngăn chặn việc gian lận thuế, góp phần phát triển kinh tế số bền vững.
Thu chưa tương xứng
Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, đến nay, 62 nhà cung cấp nước ngoài đã thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế, gồm nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Meta, Google, Apple, TikTok, Samsung... với số tiền hơn 9.281 tỷ đồng. 355 sàn giao dịch thương mại điện tử cũng cung cấp thông tin hơn 191.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn, tổng giá trị giao dịch lũy kế là 44,5 nghìn tỷ đồng.
Căn cứ cơ sở dữ liệu các sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp qua Cổng thông tin thương mại điện tử và cơ sở dữ liệu quản lý, cơ quan thuế đã hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân kê khai nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử. Tổng số thu thương mại điện tử trên toàn quốc năm 2021 là 261 tỷ đồng, năm 2022 tăng cao lên 716 tỷ đồng, bằng 274% số thu năm 2021, trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt mức 246 tỷ đồng.
Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đạt khoảng 13,7 tỷ USD năm 2021, tăng khoảng 15% so với năm 2020 và được dự báo có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025. Vì vậy, mặc dù số thuế thu từ lĩnh vực thương mại điện tử có tăng nhưng vẫn được đánh giá là chưa tương xứng với doanh thu lớn của các nền tảng kinh doanh trong nước và xuyên biên giới ở Việt Nam.
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) Tạ Thị Phương Lan nhận định, đặc điểm thương mại điện tử là mua bán trực tuyến, phần mềm điện tử được kết nối mạng internet toàn cầu; phạm vi không gian và thời gian không giới hạn… Chính vì vậy, quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, quản lý kê khai, nộp thuế, xác định căn cứ tính thuế, kiểm soát dòng tiền... là thách thức rất lớn do tính ẩn danh trong thương mại điện tử.
Để giải quyết thách thức này, một trong những giải pháp là xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Thuế, trong đó cơ sở dữ liệu về thuế thương mại điện tử phải đáp ứng yêu cầu là cơ sở dữ liệu tập trung, xử lý dữ liệu lớn, bao gồm các thông tin của tổ chức, cá nhân liên quan đến thương mại điện tử trong nước và thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cơ sở dữ liệu phải được hình thành từ các nguồn thông tin trong và ngoài cơ quan thuế, đồng thời cũng phải bảo đảm bảo mật thông tin.
Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu
Các chính sách thuế hiện hành và hạ tầng công nghệ thông tin ngành Thuế đã đáp ứng yêu cầu tập trung và lưu trữ dữ liệu lớn, có khả năng phân tích cảnh báo rủi ro. Các nguồn thông tin từ cơ quan thuế đã tự động đồng bộ các cơ sở quản lý thuế. Ngành Thuế cũng bước đầu triển khai cơ chế tiếp nhận thông tin theo hình thức điện tử từ bên ngoài cơ quan thuế. Ngày 21-3-2022, Tổng cục Thuế đã chính thức đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài để họ thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế...
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân Tạ Thị Phương Lan cho hay, thời gian tới, cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử sẽ đầy đủ hơn để áp dụng cơ chế quản lý theo rủi ro nhằm ngăn chặn trước việc gian lận thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ cho người nộp thuế, giảm chi phí tuân thủ cũng như chi phí quản lý thuế.
Cụ thể, ngành Thuế xây dựng quy trình rà soát, tiếp nhận thông tin bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”; trên cơ sở các dữ liệu đã có, xây dựng quy trình khai thác và xử lý thông tin thống nhất, hiệu quả. Cơ chế, công cụ tiếp nhận, rà soát, khai thác thông tin về kinh doanh trực tuyến được xây dựng qua các kênh: Website kinh doanh, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.
Cùng với việc xây dựng cơ sở dữ liệu, một vấn đề lớn được đặt ra là bảo mật thông tin trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng gây ra sự cố, đánh cắp dữ liệu, mã hóa dữ liệu, thay đổi dữ liệu... ngày càng gia tăng. Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) Lưu Nguyên Trí cho biết, Tổng cục Thuế thực hiện bảo mật 4 lớp, phân quyền theo chức năng, nhiệm vụ, mã hóa dữ liệu, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người nộp thuế. Đặc biệt, đơn vị giám sát 24/24 giờ, cùng với đó đánh giá các hệ thống định kỳ, bảo đảm không có lỗ hổng.
Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Trường:
Phân nhóm đối tượng quản lý
Vấn đề cốt lõi trong quản lý thuế mà Cục Thuế thành phố Hà Nội thực hiện là tập trung quản lý đối tượng. Cục Thuế đang theo dõi, quản lý hơn 5.300 hộ kinh doanh, hơn 6.400 doanh nghiệp có phát sinh hoạt động thương mại điện tử.
Với mục tiêu quản lý đầy đủ đối tượng, chúng tôi phân nhóm, phân loại các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử theo lĩnh vực kinh doanh. Từ cách thức bán hàng, thanh toán, chi trả các chi phí đến vận chuyển, thanh toán..., Cục Thuế phân loại đối tượng quản lý thành 5 nhóm chính: Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thu nhập từ hoạt động đăng tải sản phẩm, nội dung thông tin số trên các nền tảng nước ngoài; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bán hàng online; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ lưu trú qua ứng dụng; tổ chức sở hữu sàn thương mại điện tử; nhà cung cấp nước ngoài.
Sau khi phân nhóm, Cục Thuế phân tích đặc điểm của từng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu, phối hợp với Sở Công Thương… để cập nhật các thông tin liên quan đến đối tượng.
Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Nguyễn Hữu Tuấn:
Quản lý thuế thương mại điện tử có nhiều khó khăn
Năm 2022, trung bình mỗi người tiêu dùng dành khoảng 288 USD để mua sắm trực tuyến. Ba nhóm hàng được người dân lựa chọn mua sắm nhiều nhất là quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình và thiết bị điện tử. Tôi nhận thấy, khó khăn lớn nhất trong quản lý thuế thương mại điện tử là số người mua hàng trả bằng tiền mặt vẫn đáng kể. Vì vậy, khó xác định được việc kê khai nộp thuế của người bán.
Trong bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, hiện nay chưa có cơ chế để người bán phải xác thực khi đăng ký bán hàng, mà chỉ dựa trên thông tin họ khai. Vì vậy, có đối tượng mượn chứng minh thư của người khác để đăng ký bán hàng, hoặc có thể dùng sim rác.
Bên cạnh đó, mặc dù đã có quy định sàn điện tử cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, nhưng việc cung cấp này chưa có cơ chế về mặt pháp luật, quy định trách nhiệm của chủ sàn, chưa có công cụ kỹ thuật để kết nối, bảo đảm cung cấp đầy đủ, chính xác về giá trị giao dịch qua sàn. Do đó, cơ quan thuế rất khó thu đúng, thu đủ.
Phó Tổng Giám đốc phụ trách dịch vụ chuyển đổi số và chiến lược công nghệ thông tin, Deloitte Việt Nam Đỗ Danh Thanh:
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý thuế
Hiện nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên thế giới đã trở nên phổ biến. Theo một khảo sát năm 2023 giữa các công ty tài chính toàn cầu (FS), 78% người được hỏi cho biết đang sử dụng ít nhất một dạng trí tuệ nhân tạo. AI mang lại nhiều lợi ích như: Giảm thiểu chi phí, rút ngắn thời gian triển khai, đơn giản hóa quá trình ra quyết định và phân tích, thúc đẩy sáng tạo…
Tại Việt Nam, ngành Thuế không nằm ngoài xu hướng ứng dụng AI. Ứng dụng AI trong quản lý thuế có thể chia làm 3 lĩnh vực. Thứ nhất, ứng dụng về phân tích dữ liệu lớn để đưa ra những công cụ hỗ trợ cho cơ quan quản lý thuế, như chiến lược phù hợp hoặc dựa trên AI cũng như phân tích dữ liệu lớn để rà soát, xác định gian lận và rủi ro liên quan đến quản lý thuế. Thứ hai, AI có thể giúp cơ quan quản lý thuế tự động hóa các quy trình nộp thuế, tự động hóa phân tích báo cáo thuế. Thứ ba, AI trong chia sẻ và phổ biến kiến thức về thuế thông qua việc sử dụng chatbot (hộp trò chuyện) tự động trả lời, tư vấn thuế cho người nộp.
Thanh Hương ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.