Quy hoạch

Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai: Vẫn gặp nhiều khó khăn

Bạch Thanh 18/09/2023 - 07:08

Dữ liệu đất đai được số hóa đồng bộ, sẽ mang lại nhiều tiện ích, nâng cao hiệu quả quản lý, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính… Tuy nhiên, ở thành phố Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai vẫn gặp nhiều khó khăn.

dia-chinh.jpg
Bản đồ địa chính xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh) chưa được số hóa khiến cán bộ cơ sở mất nhiều thời gian tra cứu.

Khó ngay từ công tác quản lý

Theo cán bộ địa chính - xây dựng xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh) Nguyễn Thị Thu Thủy, ngoài xác minh theo hiện trạng sử dụng đất, công tác quản lý đất đai của địa phương vẫn đang sử dụng 2 bản đồ địa chính năm 1986 và năm 2005. Việc số hóa dữ liệu đất đai từ xã đến huyện chưa thực hiện được, nhiều khâu vẫn phải tra cứu thủ công.

Ông Lê Văn Tín, ở thôn Ngọc Động (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) cho biết, mặc dù đã kiến nghị đến nhiều cấp nhưng gia đình ông chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nguyên nhân là do bản đồ đo đạc năm 2014 có nhiều sai sót, chưa được đo đạc, chỉnh lý, hiệu đính lại. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương phải tham khảo qua nhiều kênh, nhiều nguồn, người dân rất khó tiếp cận thông tin đầy đủ, minh bạch.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa) Đặng Duy Dẫn, do những sai sót trong đo đạc bản đồ năm 2014 nên đến nay xã vẫn còn 443 thửa đất nông nghiệp, 847 thửa đất thổ cư chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây khó khăn cho quản lý đất đai, chỉ đạo điều hành tại cơ sở.

Tại huyện Ba Vì, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Quang Trung cho biết, qua rà soát bản đồ quy hoạch rừng năm 2010, trên địa bàn huyện có hơn 2.800ha đất rừng bị chồng lấn với các diện tích đất khác. Nhiều hộ dân đã sinh sống ổn định 40-50 năm tại các xã: Minh Quang, Ba Vì… vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do bản đồ địa chính nằm trong quy hoạch đất rừng. Từ năm 2010 đến nay, UBND huyện Ba Vì đã kiến nghị cơ quan chức năng cắm mốc, đo đạc, cập nhật lại bản đồ số hóa và đưa ra khỏi quy hoạch đất rừng số diện tích bị chồng lấn, song vẫn chưa hoàn thành. Do đó, việc quản lý đất đai của địa phương gặp nhiều khó khăn, phải tham khảo, sử dụng cả những bản đồ địa chính từ những năm 1960, 1980… Nhiều bản đồ đo đạc chưa được cơ quan chứng nhận, nghiệm thu, song địa phương vẫn phải sử dụng để tham khảo trong quản lý, điều hành.

Đầu tư nguồn lực tương xứng

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thành phố Hà Nội đang tập trung triển khai dự án xây dựng tổng thể hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai. Từ năm 2015 đến nay, cơ bản thực hiện hạng mục đo đạc 27/27 địa điểm thuộc phạm vi dự án, đã hoàn thành công tác đo đạc bản đồ ngoại nghiệp và tổ chức nghiệm thu 477/489 xã, thị trấn; 11 phường, xã còn lại đơn vị thi công đã thực hiện đo đạc ngoại nghiệp. Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện thủ tục xin UBND thành phố gia hạn thời gian thực hiện dự án. Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số của Chính phủ, thành phố, ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện, cập nhật các dữ liệu đất đai.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mê Linh Trần Nguyễn Ngọc cho biết, việc khai thác, chia sẻ thông tin đất đai giữa các cơ quan và các bên liên quan về xác định nghĩa vụ tài chính, thông tin liên quan đến nguồn gốc sử dụng đất, giá đất và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ bảo đảm tính bền vững và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai. Do đó, Hà Nội cần sớm đồng bộ thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất cung cấp một nền tảng, dữ liệu và phải được chia sẻ rộng rãi với các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị… Qua đó, thúc đẩy tính minh bạch và sự tiếp cận của cộng đồng để cập nhật và khai thác thông tin đất đai đáng tin cậy, hạn chế những sai sót, cũng như giúp cán bộ cơ sở thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Võ Anh Tuấn cho biết, các địa phương đã nhận thức và hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là công cụ cơ bản để phục vụ tốt cho công tác quản lý đất đai. Một số địa phương đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn tỉnh, thành phố để quản lý đất đai theo hướng hiện đại và xây dựng được một khối lượng rất lớn dữ liệu đầu vào phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu, đó là hệ thống bản đồ (dữ liệu đồ họa) và hệ thống hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất (dữ liệu thuộc tính)...

Hiện thành phố Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, việc đầu tư nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chưa tương xứng so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao, dẫn đến tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm, cơ sở dữ liệu đất đai do các tỉnh, thành phố xây dựng cơ bản chưa được phủ kín, vẫn còn tình trạng "xôi đỗ" ở một số khâu, một số phần việc. Trong khi đó, việc đầu tư kinh phí của Nhà nước cho xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Thực tế, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang đẩy mạnh chính quyền số, ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, đối với lĩnh vực đất đai cũng cần được các bộ, ngành, thành phố… quan tâm hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai: Vẫn gặp nhiều khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.