Kinh tế

Xây dựng cơ chế khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng

Đình Hiệp 05/05/2025 - 15:48

Chiều 5-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

nguyen-hong-dien.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17-6-2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011. Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai thi hành, đến nay đã bộc lộ một số bất cập.

Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Vì vậy, cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ bản nguồn năng lượng hợp lý theo hướng giảm thiểu nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, tăng mạnh nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam cần phải xem xét sửa đổi Luật theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích; đồng thời, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ vướng mắc, rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gồm 3 điều. Trong đó, Điều 1 về các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gồm 21 khoản liên quan đến các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ của 19 điều của Luật hiện hành. Điều 2 về hiệu lực thi hành; Điều 3 về điều khoản chuyển tiếp.

le-quang-huy.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, qua nghiên cứu, Ủy ban nhận thấy, hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín.

Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu, đánh giá từng nội dung trong 4 nhóm chính sách với các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm đồng bộ; các nội dung sửa đổi đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế.

Ủy ban cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa rõ hơn một số nội dung về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho chuyển đổi công nghệ, phát triển công nghiệp xanh, bền vững và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện nguồn năng lượng Việt Nam còn thiếu. Đồng thời, thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh trên nền tảng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… nhằm đạt chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TƯ.

dai-bieu-chieu-1.jpg
Các đại biểu Quốc hội khóa XV tham gia phiên họp chiều 5-5. Ảnh: Quochoi.vn

Ủy ban nhận thấy, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; việc phát triển bền vững đất nước gắn với an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, Ủy ban cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung 3 nội dung chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như tại Khoản 2 Điều 1, tuy nhiên cần làm rõ hơn các chính sách này trong các điều khoản của dự thảo Luật.

Đối với quy định về “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một chỉ tiêu bắt buộc trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” tại Khoản 2 Điều 1 (bổ sung khoản 6 Điều 5 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả), Ủy ban nhận thấy quy định này nhằm thể chế hóa nội dung “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội” trong Nghị quyết số 55-NQ/TƯ.

Do đó, Ủy ban cơ bản tán thành với nội dung này nhưng đề nghị chỉnh sửa lại theo hướng bỏ từ “bắt buộc” cho đồng bộ với cách quy định về các chỉ tiêu trong các báo cáo phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ hơn nội dung này, đặc biệt là tính khả thi, lộ trình áp dụng trong Báo cáo đánh giá tác động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ chế khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.