Quy hoạch

Xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội tạo ưu thế cho phát triển Thủ đô

Hànộimới 21/11/2023 - 18:48

Ngày 21-11, Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

ong-thang(1).jpg
PGS, TS, Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư).

PGS, TS, Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) đã gửi đến hội thảo bài tham luận “Giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù bảo đảm lợi thế so sánh và ưu thế cạnh tranh cho phát triển Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Báo Hànộimới xin trích đăng.

Quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và các hướng giải pháp về cơ chế, chính sách “đặc thù vượt trội” để phát triển Thủ đô thời gian tới đã được Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định rõ. Đây chính là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như cả nước đối với Thủ đô Hà Nội. Yêu cầu cao cũng tương xứng với vị thế Thủ đô của quốc gia tầm cỡ 100 triệu dân, đến năm 2030, phấn đấu trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có mức thu nhập cao. Vấn đề bây giờ là khẩn trương thiết kế các cơ chế, chính sách “đặc thù vượt trội”.

Thứ nhất, về cách tiếp cận.

Một là, Hà Nội đang tiến hành đồng thời ba nhiệm vụ rất quan trọng có tầm ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển Thủ đô. Đó là, xây dựng quy hoạch Thủ đô Hà Nội theo Luật Quy hoạch 2017, trong đó, tích hợp tất cả các quy hoạch ngành trên địa bàn Thủ đô và quy hoạch các huyện trước đây; điều chỉnh quy hoạch xây dựng và xây dựng Luật Thủ đô mới, thay cho Luật hiện hành. Các công việc này là bước triển khai cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và định hướng giải pháp lớn của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, trong đó, quy hoạch chức năng, định vị không gian phát triển trên địa bàn Thủ đô. Đây là cơ hội để đồng bộ hóa việc xây dựng quy hoạch và cơ chế, chính sách để bảo đảm thực hiện các mục tiêu cụ thể của quy hoạch, điều mà từ trước đến nay luôn gặp phải tình trạng chưa thống nhất và chưa thông suốt giữa các quy hoạch với nhau, giữa các mục tiêu và giải pháp thực hiện. Vì vậy, các giải pháp chủ yếu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô Hà Nội lần này phải có cái nhìn tổng thể, dài hạn và nhất quán.

Hai là, Hà Nội đã từng được Bộ Chính trị ban hành nhiều nghị quyết riêng và là địa phương duy nhất có Luật riêng (Luật Thủ đô). Vị thế đòi hỏi phải xem Hà Nội là một đơn vị cấp địa phương đặc thù, độc nhất. Các cơ chế, chính sách cho Thủ đô phải bảo đảm cho Hà Nội “có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”.

Những kinh nghiệm quốc tế về cơ chế, chính sách cần tham khảo ở đây là thủ đô các nước, phải so sánh với thủ đô các nước chứ không phải chỉ là với các tỉnh/thành phố khác trong nước. Giữa các luật chuyên ngành (quốc gia) và Luật Thủ đô, có thể sẽ có những điểm khác biệt. Vì vậy, khi có sự khác nhau về cùng một nội dung giữa các luật thì khi thực thi, sẽ áp dụng Luật Thủ đô.

Ba là, các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội phải thực sự có tính đột phá mới có hy vọng “tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp” để phát triển Thủ đô. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ chỉ rõ cần phải “hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô” đã khẳng định hệ thống cơ chế, chính sách dùng chung cho cả nước chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”. Vậy nên hiểu nội hàm “các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội” như thế nào?

Lâu nay, đã có địa phương được cho phép một số cơ chế, chính sách đặc thù về tỷ lệ điều tiết ngân sách; về phân cấp quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, giao thông; chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chi lương cho cán bộ viên chức... Các cơ chế, chính sách này có khác so với quy định chung, nhưng khi thực thi mới thấy những điểm khác biệt đó không phát huy được bao nhiêu tác dụng, và trong một số trường hợp muốn thực hiện được thì phải tiếp tục “xin” tiếp cơ chế. Vậy là, các cơ chế, chính sách ấy có “đặc thù”, nhưng chưa chắc đủ mức “vượt trội”. Vượt trội ở đây cần được hiểu là thông thoáng hơn, dễ thực hiện và khả thi. Vì vậy, các cơ chế, chính sách phải thể hiện rõ hơn tư tưởng đột phá trong xác định quyền hạn, trách nhiệm; “phân cấp, phân quyền cho Thủ đô” và vận dụng những kinh nghiệm tốt trong mô hình chính quyền đô thị ở một số nước trên thế giới.

Bốn là, Hà Nội là một trong hai thành phố lớn nhất nước, đang có một số vấn đề nổi cộm phải giải quyết, đặc biệt là lĩnh vực quản lý phát triển đô thị (quy hoạch xây dựng, kiến trúc; quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường, dự án lớn triển khai chậm gây lãng phí nguồn lực...). Vì vậy, các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội phải thể hiện ở chỗ giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc này, vì nó đã tồn tại từ rất lâu và đã được đề cập đến nhiều lần, nhưng những cơ chế, chính sách hiện hành không giải quyết được.

Thứ hai, một số nội dung của chính sách.

Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi (đang được thảo luận lấy ý kiến rộng rãi) về cơ bản đã đề cập đầy đủ, khá chi tiết các nội dung cũng như hướng vào việc khắc phục được hạn chế của những quy định nêu trong Luật Thủ đô năm 2012.

Bên cạnh việc kế thừa, Luật Thủ đô sửa đổi (mới) cũng đã thiết kế thêm một số điều nhằm giải quyết tốt hơn các vấn đề mà Luật cũ chưa giải quyết được cũng như một số vấn đề bức xúc mới phát sinh, có vận dụng những điều khoản đặc thù dành cho các thành phố khác mới được ban hành gần đây. Cũng đã có khá nhiều nội dung cố gắng phản ánh tính “vượt trội” của cơ chế, chính sách, trong đó, một số nội dung khi triển khai còn phụ thuộc vào các quy định dưới Luật do HĐND và UBND thành phố ban hành. Đây là hướng đi đúng đắn trong việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho phát triển Thủ đô.

Trên tinh thần đồng thuận cao với Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, chúng tôi xin nêu vài ý để thảo luận thêm.

Một là, tính “vượt trội” của cơ chế, chính sách dành cho Thủ đô nên thể hiện tập trung ở cách phân quyền và ủy quyền cho chính quyền thành phố thực hiện những quyết sách phát triển đô thị, kinh tế - xã hội và bảo đảm trật tự trị an.

Hai là, để thực hiện quyền được giao một cách hiệu quả, các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô cần tiếp tục quy định những nội dung “mở” hơn, trong đó, có hai nội dung đặc biệt quan trọng:

1- Chủ động về nhân lực. Thủ đô Hà Nội là nơi tập hợp nhiều cơ quan nghiên cứu, trường đại học và cư trú của đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ đông đảo. Vì vậy, cơ hội cho việc phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao rất lớn. Dự thảo Luật Thủ đô đã trình bày khá chi tiết những quy định cho phép Hà Nội chủ động việc thu hút nhân tài và tổ chức bộ máy có nhiều điểm mới, đặc thù và nếu được thông qua, có thể phát huy tác dụng tốt;

2- Cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình. Trao quyền lớn và chủ động cần đi đôi với cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình. Đây là nội dung về cơ bản chưa được Dự thảo Luật đề cập đến thỏa đáng. Có lẽ cần nghiên cứu để bổ sung để bảo đảm vừa phát huy tốt sự chủ động sáng tạo, vừa dễ thực thi và được giám sát tốt.

Ba là, trong bối cảnh cải cách hành chính và sắp xếp lại mô hình tổ chức, việc hình thành mô hình thành phố trong Thủ đô có thể tạo ra bước đột phá, song cần được nghiên cứu thấu đáo về bộ máy và cách thức vận hành để đem lại hiệu quả cao nhất.

Bốn là, Luật Thủ đô là loại văn bản áp dụng cho một địa bàn cụ thể, vì vậy nên được thiết kế để sao cho khi thực thi, về cơ bản không phải “hỏi” mà không sợ sai. Các nội dung ghi trong Dự thảo Luật Thủ đô đã cho thấy tinh thần cố gắng chi tiết các quyền thực thi của cấp địa phương (Hà Nội) về các nội dung liên quan đã đáp ứng tốt yêu cầu này.

Năm là, để cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả, bên cạnh việc huy động các cơ quan chuyên môn, các nhà làm chính sách, rất cần sự đồng thuận xã hội, trước hết là ý kiến của các nhà khoa học, những cộng đồng trực tiếp chịu tác động của chính sách, trong đó đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và dân cư.

Sáu là, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, những kinh nghiệm tốt về trao quyền, ủy quyền, các lĩnh vực, cách thức vận hành và trách nhiệm giải trình của nhiều Thủ đô trên thế giới cần được tham khảo và chọn lọc để bảo đảm thực sự có tính đột phá, tạo ra khả năng “huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô”, hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đã xác định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội tạo ưu thế cho phát triển Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.