Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng chính phủ số: Phù hợp xu hướng phát triển

Việt Nga| 06/08/2018 07:07

(HNM) - Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có lợi thế triển khai chính phủ số khi mật độ sử dụng internet khá cao. Và chính phủ số hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển nhanh của nền kinh tế số trên toàn thế giới.

Việt Nam có lợi thế triển khai chính phủ số do mật độ sử dụng internet khá cao. Ảnh: Trần Hà


Nhắc đến triển khai chính phủ số thành công, không thể không đề cập Estonia - quốc gia đã số hóa thành công nhất thế giới, bằng việc đầu tư khoản ngân sách 70.000 USD để triển khai dự án chính phủ điện tử đầu tiên cách đây 15 năm. Đến nay, Cổng dịch vụ công quốc gia của nước này đã cung cấp đến 99% dịch vụ thiết yếu (khoảng 1.500 dịch vụ trực tuyến) cho người dân, doanh nghiệp; thiết lập các hệ thống quản lý đăng ký công dân, hệ thống xác thực thông qua mã số công dân điện tử (eID), xác thực thông qua số điện thoại (MobileID). 99% công dân Estonia được cấp 1 mã số eID và 1 thẻ căn cước điện tử kèm chữ ký số để thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước.

Các hệ thống này giúp người dân, doanh nghiệp chỉ nộp tờ khai thuế trực tuyến trong vòng 5 phút và đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ trong vòng 5 phút. Nhờ việc triển khai chính phủ số thành công, mỗi năm Estonia cung cấp 500 triệu chữ ký số, mang lại 1 tỷ euro cho đất nước. Những thông tin này được ông Hannes Astok, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển chính phủ số Estonia chia sẻ tại "Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông" do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin tổ chức vừa qua.

Còn theo ông Idris Jala, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn toàn cầu EMANDU (Malaysia), từ năm 2009, nước này bắt đầu áp dụng mô hình Cơ quan quản lý và bảo đảm hiệu quả chính phủ (PEMANDU) - thuộc Văn phòng Chính phủ nhằm thay đổi toàn diện quốc gia. Sau 8 năm, mô hình này đã tạo ra 2,6 triệu việc làm; giúp làm giảm thâm hụt ngân sách từ 6,6% xuống còn hơn 3%, thu nhập bình quân/người đạt 10.000 USD.

Ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc công nghệ thuộc Công ty Hệ thống thông tin FPT cho biết, sau 5 năm FPT đã triển khai đề án chính quyền điện tử cho tỉnh Quảng Ninh. Từ đây, Quảng Ninh đã tạo được môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp, tiết kiệm được thời gian, chi phí… phục vụ người dân, doanh nghiệp. Năm 2017, Quảng Ninh đứng đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh PCI, chỉ số cải cách hành chính PAR Index.

Hiện đã có hơn 400 đơn vị hành chính của tỉnh tham gia ứng dụng chính quyền điện tử; trên 3,7 triệu lượt văn bản trao đổi qua mạng (3 năm); tiết kiệm trên 30 tỷ đồng/năm chi phí hành chính, riêng tiết kiệm chi phí gửi nhận văn bản gần 15 tỷ đồng/năm; hơn 1.500 dịch vụ công trực tuyến, trên 600.000 hồ sơ được giải quyết/năm, tiết kiệm chi phí xã hội trung bình trên 70 tỷ đồng/năm.

Được biết, Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử (đặt tại Văn phòng Chính phủ) để hướng đến chính phủ số. Đây được coi là hành động kịp thời trong xu hướng phát triển nhanh của nền kinh tế số trên toàn thế giới. Ðề cập giải pháp hướng tới xây dựng chính phủ số và kinh tế số, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần thực hiện các giải pháp cụ thể. Đó là quan tâm, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia ngang bằng với mức độ tiên tiến của khu vực.

Cơ sở dữ liệu quốc gia cần được nhanh chóng xây dựng và phát triển thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế về lưu trữ, phân tích, kết nối, lưu chuyển, tiếp cận và khai thác sử dụng thông tin. Phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đi đôi với chuyển đổi cơ cấu lao động phù hợp và thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động trong thời đại 4.0 theo hướng đào tạo kỹ năng đa ngành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chính phủ số: Phù hợp xu hướng phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.