(HNM) - Đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn là mục tiêu đã được Chính phủ đề ra và đang tập trung thực hiện.
Ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận “một cửa” của UBND huyện Chương Mỹ. Ảnh: |
Không thể bỏ qua các nền tảng
Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT) Nguyễn Phú Tiến cho rằng, hiện nay, 100% bộ, ngành, địa phương có trang hoặc cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2. Người dân có thể tải về các mẫu văn bản, giấy tờ thủ tục hành chính. Nhưng số dịch vụ công trực tuyến ở mức 3-4 (nộp hồ sơ qua mạng) cả nước mới đạt 1-2%.
Theo Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT Phạm Minh Tuấn, nước ta đứng thứ 5 trong các nước Đông Nam Á và đứng thứ 93 trên thế giới về chính phủ điện tử (e-Gov), tụt 16 bậc so với năm 2012. Nguyên nhân chính khiến vị trí thấp, lại bị tụt hạng là vì ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này còn thấp. Tiếp theo là do thời gian triển khai dự án ứng dụng CNTT ở nước ta còn quá dài. Có những dự án ở Việt Nam phải mất 8 năm mới triển khai được thì dự án tương tự ở Campuchia chỉ mất 18 tháng. "Các cơ quan, đơn vị có xu hướng quá cầu toàn, đòi hỏi phải có kiến trúc hoàn hảo mới thực hiện. Nhưng mặt khác lại hay bỏ qua các nền tảng giống như xây nhà mà bỏ qua phần móng như liên thông, tích hợp dữ liệu, an ninh thông tin…" - ông Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh.
Hạn chế được Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà nêu ra trong xây dựng chính phủ điện tử là chúng ta đã triển khai nhiều việc nhưng rất phân tán. Các bộ có triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu nhưng quá sơ sài, không liên thông được với các tỉnh, thành phố. Ví dụ như hệ thống đăng ký doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh rất tốt nhưng lại chưa liên thông được với Bộ KH-ĐT. Ông Lê Mạnh Hà cảnh báo, nếu tiếp tục tái diễn tình trạng "lệch pha" như hiện nay, sẽ có những "đề án 112" khác trong tương lai. Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Phú Tiến cho biết thêm: "Qua khảo sát, chúng tôi thấy đa số các cơ quan nhà nước được trang bị tra cứu văn bản điều hành, nhưng không kết nối được với nhau. Nhiều nơi trang bị phần mềm điều hành xử lý qua mạng, nhưng chủ yếu phục vụ công tác văn thư…".
Người đứng đầu quyết định hiệu quả
Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT) Nguyễn Phú Tiến khẳng định, rất nhiều chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về xây dựng chính phủ điện tử đã được thể hiện rõ. Cơ hội, điều kiện xây dựng chính phủ điện tử đang rất thuận lợi. Mục tiêu cũng đã rõ ràng: Trong giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đạt 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến ở mức độ 4; xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cấp, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử đồng bộ, kết nối, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia; triển khai đô thị thông minh ít nhất tại 3 điểm; 100% văn bản không mật trình UBND tỉnh, bộ, Thủ tướng Chính phủ dưới dạng điện tử…
Tại Hà Nội, hướng xây dựng chính phủ điện tử bắt đầu đổi mới theo hướng "làm nhà từ móng". Phó Giám đốc Sở TT-TT Đặng Vũ Tuấn cho biết, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016-2020 của thành phố là xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu then chốt dân cư, đất đai và xây dựng. Đây là cơ sở nền tảng để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 cho các tổ chức và công dân trên phạm vi toàn thành phố.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phú Tiến, có tình trạng là người dân chưa mặn mà với việc nộp hồ sơ qua mạng nên khi triển khai xây dựng chính phủ điện tử, phải quan tâm tạo thói quen mới cho người dân. Còn Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT Phạm Minh Tuấn chia sẻ, kinh nghiệm của Đà Nẵng là phải đổi mới truyền thông như làm video clip, hoạt hình để thu hút sự quan tâm của người dân. Ông nói: "Ứng dụng CNTT xây dựng chính phủ điện tử sẽ thay đổi quy trình làm việc hiện nay; các cơ quan, đơn vị, địa phương phải làm tốt việc "quản lý thay đổi truyền thống" ngay khi bắt tay vào thực hiện".
Đại diện Bộ KH-CN cho rằng, khó có thể khắc phục được tình trạng "lệch pha" không liên thông được các cơ quan, địa phương, nếu không có các chuẩn mở dùng chung. Trả lời về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà khẳng định, thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đang triển khai theo hướng chuẩn mở. Việc chuyển giao đang được thực hiện. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cũng cho rằng, thời gian qua, thủ trưởng nhiều bộ, ngành, địa phương chưa đánh giá đúng vai trò của ứng dụng CNTT. Ông nói: "Nếu quan tâm thì tình hình đã khác. Phải là các bộ trưởng quan tâm, chủ tịch (UBND tỉnh, thành phố) quan tâm mới thuận được. Còn nếu chỉ cấp phó quan tâm thì cũng không thể nhanh, cấp sở có tâm huyết, trách nhiệm đến mấy cũng không chuyển biến được". Đồng tình với quan điểm này, Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT Phạm Minh Tuấn cho biết, ở nhiều tỉnh, thành phố, nếu lãnh đạo giao cho sở, ngành phụ trách thì gần như việc ứng dụng CNTT xây dựng chính phủ điện tử giậm chân tại chỗ. Kinh nghiệm làm việc với Quảng Ninh cho thấy, tất cả phải xuất phát từ mệnh lệnh của người đứng đầu mới chuyển biến được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.