(HNMO) - Bộ NN&PTNT thông tin, Bộ đang phối hợp với tỉnh Thái Nguyên xây dựng cây chè trở thành thương hiệu quốc gia...
Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, xác định cây chè là cây trồng thế mạnh, chủ lực của tỉnh trong phát triển nông nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đang hoàn thiện các thủ tục xây dựng cây chè thành thương hiệu quốc gia.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên, hiện nay, sản lượng, diện tích chè của tỉnh Thái Nguyên đang dẫn đầu cả nước. Hiện, toàn tỉnh có trên 22,2 nghìn héc-ta, trong đó diện tích chè cho sản lượng đạt 20,9 nghìn héc-ta. Đặc biệt, sản phẩm chè Thái Nguyên đã có mặt tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và một số nước trên thế giới.
Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ, giống, nhằm năng cao năng suất, chất lượng cây chè. Đến nay, tổng diện tích trồng chè áp dụng thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận đạt 4356,7 héc-ta; cấp chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified 11 héc-ta và sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ đạt 127 héc-ta, trong đó có 65 héc-ta được cấp chứng nhận hữu cơ.
Với việc áp dụng nhiều giải pháp trong việc trồng và chế biến chè, trong năm 2022, chè Thái Nguyên luôn có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Trên địa bàn đã hình thành một số vùng chè đặc sản như: Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, Tức Tranh... Một số sản phẩm trà cao cấp đạt từ 1,5 triệu đồng đến trên 5 triệu đồng/kg.
Với sự ổn định về chất lượng và sản lượng, sản phẩm chè Thái Nguyên đang được khẳng định tại thị trường trong nước và thế giới. Tháng 8-2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” cho Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên.
Đến năm 2018, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được đăng ký bảo hộ thành công tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Đến tháng 3-2018, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại các nước Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sau hơn 3 năm thẩm định hồ sơ, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được cơ quan sở hữu trí tuệ của 3 quốc gia này cấp văn bằng bảo hộ.
Chủ tịch Hiệp hội chè Thái Nguyên Nguyễn Thị Ngà cho biết, việc nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được bảo hộ tại các thị trường Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc tạo điều kiện thuận lợi trong việc nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh; đồng thời, hạn chế nguy cơ bị chiếm đoạt nhãn hiệu tại thị trường quốc tế, mở ra nhiều cơ hội cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng, sản xuất và tiêu thụ chè; xây dựng cây chè là thương hiệu quốc gia là việc cần thiết để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chủ lực này của tỉnh Thái Nguyên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.