(HNM) - Cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, tiền thuê đất còn hạn chế, chưa khuyến khích doanh nghiệp, đã khiến việc đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Để thành phố phát triển được hệ thống chợ văn minh, hiện đại, cần có các giải pháp đồng bộ, từ xây dựng cơ chế, chính sách đến sự hợp tác, đồng thuận của tiểu thương.
Dự án xây dựng chợ chưa hấp dẫn nhà đầu tư
Theo Sở Công Thương Hà Nội, tại một số địa bàn của các quận, huyện vẫn chưa có chợ hoặc số lượng chợ chưa đủ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dẫn đến phát sinh chợ cóc, chợ tạm. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn thành phố chưa được quan tâm đầy đủ, đúng tiến độ đề ra… Trên phố Nguyễn Thị Thập (quận Thanh Xuân), từ sáng sớm chợ họp trên vỉa hè, thậm chí tràn cả xuống lòng đường gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông. Nhiều sạp kinh doanh thực phẩm tươi sống bày bán ngay trên tấm gỗ hoặc 1 lớp ni lông trải xuống nền đất... Tại Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), người dân buôn bán ngoài đường, trong khi dự án xây dựng chợ dân sinh Tây Mỗ được phê duyệt từ năm 2014 với diện tích 3.600m2, kinh phí đầu tư dự án khoảng 22,5 tỷ đồng, vẫn đang dở dang, mới chỉ có hệ thống nhà quản lý, bảo vệ, tường rào và 1 cầu chợ được xây dựng.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, nguyên nhân của tình trạng này là do việc triển khai quy hoạch chợ còn chậm. Chuyển đổi mô hình chợ cũng gặp nhiều khó khăn, muốn chuyển sang hình thức xã hội hóa, nhưng không thể giao cho doanh nghiệp vì phần đất vẫn là đất công, khiến doanh nghiệp không mặn mà tham gia đầu tư. Ngoài ra, cơ chế đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cũng còn không ít vướng mắc, việc quản lý phức tạp nên các chợ gặp khó khăn trong cải tạo, nâng cấp.
Từ góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP Vũ Thanh Sơn cho biết thêm, khi chuyển từ mô hình nhà nước quản lý sang doanh nghiệp quản lý, tiền thuê đất được tính vào giá thành đầu tư, kéo theo giá thuê diện tích bán hàng tăng 2-3 lần khiến các tiểu thương bỏ chợ, còn doanh nghiệp thua lỗ... vì thế dự án xây dựng chợ chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
Gỡ vướng từ cơ chế
Theo Quy hoạch hệ thống chợ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn thành phố có 595 chợ, trong đó có 24 chợ hạng 1 (gồm 5 chợ đầu mối); 79 chợ hạng 2; 478 chợ hạng 3. Hiện tại, toàn thành phố đang có 453 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 58 chợ hạng 2, 348 chợ hạng 3, 8 chợ phải cải tạo hệ thống phòng cháy, chữa cháy và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng, 24 chợ đề nghị không phân hạng do chờ giải tỏa.
Trong năm 2023, thành phố đã ban hành kế hoạch xây mới 48 dự án chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ. Đến nay, có 6 chợ đã triển khai thi công (gồm 3 chợ tại quận Nam Từ Liêm, 1 chợ tại huyện Mỹ Đức, 2 chợ tại huyện Thạch Thất); 4 chợ đã hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến được thời gian khởi công (gồm 3 chợ tại quận Bắc Từ Liêm, 1 chợ tại huyện Thanh Oai). Các chợ còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư. Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã giải tỏa 40 chợ cóc, chợ tạm, các tụ điểm kinh doanh tự phát gây bức xúc dư luận.
Từ mô hình cải tạo chợ Long Biên (quận Ba Đình), đại diện Ban Quản lý chợ Long Biên cho rằng, chợ dân sinh chỉ cần đầu tư ở mức vừa phải, bảo đảm tiện lợi, có mức phí phù hợp để các tiểu thương tiếp tục kinh doanh. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc thu hút các nhà đầu tư vào kinh doanh chợ ở Hà Nội không khó, do lợi ích của việc này rất rõ ràng, quan trọng là cơ chế. Cùng với đó, cần công khai, minh bạch các dự án phát triển chợ như: vị trí, diện tích, công năng, quy hoạch, cơ chế đầu tư, các quyền lợi, nghĩa vụ của các bên có liên quan... góp phần tạo sự đồng thuận xã hội ở mức cao nhất. Để thu hút hơn nữa cần có thêm những cơ chế hỗ trợ như Nhà nước đứng ra giải phóng mặt bằng nếu dự án thuần túy là chợ truyền thống.
Đồng quan điểm, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho rằng, tiêu chuẩn chợ an toàn, văn minh thương mại phải hướng đến các điều kiện về xây dựng đúng quy chuẩn, tuân thủ nguyên tắc về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm… Sở Công Thương Hà Nội đang đề xuất thành phố chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận quỹ đất sạch nhằm giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, giảm thời gian chuẩn bị đầu tư dự án; ưu tiên bố trí quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành để xây dựng chợ dân sinh đáp ứng nhu cầu nhân dân.
Sau hội nghị Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội giao ban quý I-2023 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, trong đó có nội dung về cải tạo chợ, hy vọng các dự án theo kế hoạch sẽ được triển khai tích cực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.