Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng các tuyến phố kiểu mẫu tại Hà Nội: Nghiên cứu triển khai theo đặc thù khu vực

Kim Vũ - Thùy Ngân| 10/03/2020 06:37

(HNM) - Từ năm 2016, theo chủ trương của UBND thành phố, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và các quận, huyện, thị xã nghiên cứu, tính toán để thực hiện thí điểm các tuyến phố kiểu mẫu, văn minh đô thị là phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) và phố Đình Thôn (quận Nam Từ Liêm). Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian vận hành, thực tế ở hai tuyến phố này đã bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi các cơ quan chức năng, địa phương cần nghiên cứu, điều chỉnh theo đặc thù từng khu vực để có thể nhân rộng mô hình.

Biển hiệu tại tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) đã không theo quy định tại đề án thí điểm.

Quy chuẩn mẫu bị phá vỡ

Quy chuẩn của tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội - phố Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai) tại Quy định tạm thời quản lý cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc hai bên tuyến đường Lê Trọng Tấn ngày 31-8-2016 do UBND quận Thanh Xuân ban hành nêu rõ: Toàn bộ biển hiệu, biển quảng cáo được đồng bộ từ kích thước, cỡ chữ, 2 màu sắc cơ bản: Xanh và đỏ; tuyến phố không còn mái che, mái vảy, không lấn chiếm vỉa hè... Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới trong hai ngày 6 và 7-3 vừa qua tại phố Lê Trọng Tấn cho thấy, nhiều quy chuẩn quan trọng của đề án đã bị các cửa hàng phá vỡ. Các biển hiệu không còn đồng bộ màu xanh - đỏ như quy định ban đầu mà thay bằng đủ loại sắc màu.

Anh Nguyễn Đình Thắng, nhân viên một nhà hàng Nhật Bản ở phố Lê Trọng Tấn nêu khó khăn, cơ sở này đã có sẵn logo, biển hiệu có màu sắc đặc trưng là màu đỏ. Nay nếu theo quy chuẩn mẫu thì khách hàng khó nhận dạng thương hiệu, sẽ mất lượng khách khá lớn.

Trong khi đó, đầu năm 2018, tuyến phố kiểu mẫu thứ 2 được thực hiện tại phố Đình Thôn (quận Nam Từ Liêm) do UBND phường Mỹ Đình 1 thực hiện theo Đề án "Thí điểm tuyến đường Đình Thôn là tuyến đường văn minh đô thị" giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030. Cùng quy chuẩn là đồng bộ kích thước biển hiệu, màu sắc xanh - đỏ như phố Lê Trọng Tấn, nhưng sự khác biệt của đề án này là đóng 200 cột treo biển màu đỏ để cắm cờ hoa và biển hiệu quảng cáo. Theo ghi nhận, phố Đình Thôn cũng không theo quy chuẩn, nhiều cửa hàng lắp đặt thêm các loại bạt để tạo khác biệt. Đáng nói là việc xuất hiện của gần 200 chiếc cột sắt biến thành giá treo biển phụ và đèn LED...

Chia sẻ khó khăn trong quá trình thực hiện, ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Mai cho biết, những bất cập của đề án đã bộc lộ trong thực tế khi quy định về biển hiệu màu xanh - đỏ gây bất tiện và ảnh hưởng đến việc buôn bán của các cửa hàng. Quá trình quản lý tuyến phố gặp rất nhiều khó khăn do chưa có chế tài xử lý việc tự ý thay đổi biển hiệu, lực lượng chức năng chỉ có thể tuyên truyền, vận động.

Theo ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1, việc nghiên cứu tuyến phố kiểu mẫu Đình Thôn đã bỏ qua quy chuẩn về diện tích vỉa hè và mặt đường phải có chiều rộng tối thiểu là bao nhiêu. Trong khi thực tế vỉa hè phố này đoạn có, đoạn không, lại "gánh" thêm 200 cột sắt trên vỉa hè càng gây chật chội.  

Tuyến phố kiểu mẫu Đình Thôn (quận Nam Từ Liêm) nhếch nhác sau gần 2 năm thực hiện đề án thí điểm.

Nghiên cứu, điều chỉnh để nhân rộng

Một Hà Nội văn minh không thể thiếu những tuyến phố kiểu mẫu. Là đơn vị trực tiếp thực hiện, ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Mai cho rằng, việc tiếp tục nhân rộng các tuyến phố kiểu mẫu là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng nên chọn những tuyến phố có mặt cắt đường đủ rộng, hai bên đường có các công trình nhà ở, cây xanh. Bên cạnh đó, cần quy định quản lý tuyến phố chính thức thay cho quy định tạm hiện nay để lực lượng chức năng áp dụng xử lý vi phạm chứ không chỉ dừng ở mức vận động, thuyết phục. 

Đưa ra đề xuất gỡ "nút thắt", bà Kiều Thị Mai, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thanh Xuân cho biết, UBND quận đã “nới lỏng” một số quy định về biển hiệu, cho phép doanh nghiệp sử dụng màu sắc bảng, biển quảng cáo theo mẫu logo đã đăng ký, miễn không phản cảm và vật liệu không có độ phản quang lớn hơn 70%. Điều này nhằm hài hòa mục tiêu xây dựng, mở rộng tuyến phố văn minh, hiện đại song vẫn bảo đảm quyền lợi kinh doanh của người dân.

Còn theo ông Hoàng Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm, rút kinh nghiệm từ phố Đình Thôn, các đơn vị khi xây dựng tuyến phố kiểu mẫu cần nghiên cứu, rà soát các quỹ đất hai bên đường như: Đầu tư, hạ ngầm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Đường điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc... Bên cạnh đó, không thể bỏ qua việc trồng đồng bộ mới cây xanh, bố trí các tiện ích đô thị như nhà chờ xe buýt, bảng biển chỉ dẫn, khu vực tập trung rác. 

Ở góc độ khác, ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) cho biết, hiện tại Sở vẫn tiếp tục đề nghị các quận, huyện nghiên cứu, tự xây dựng tiêu chí tuyến phố kiểu mẫu riêng căn cứ theo bản sắc văn hóa của địa phương. Việc quy định kích cỡ, màu sắc của biển hiệu cũng nên nghiên cứu theo văn hóa vùng và phải đúng Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 và Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 20-1-2016 ban hành quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hiện Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã và đang tổ chức thiết kế đô thị hàng loạt các tuyến phố như tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Trần Phú, Kim Mã... Điều này cho thấy mô hình tuyến phố kiểu mẫu đang được thành phố quan tâm triển khai, nhân rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng các tuyến phố kiểu mẫu tại Hà Nội: Nghiên cứu triển khai theo đặc thù khu vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.