Góc nhìn

Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Quỳnh Anh 02/11/2024 - 06:52

Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn, được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng ta.

Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng nêu rõ: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”.

Phải khẳng định rằng, bộ máy nhà nước có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định, an ninh và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yếu tố quyết định phát triển đất nước nhanh, bền vững. Ngược lại, bộ máy nhà nước yếu kém, trì trệ, cồng kềnh sẽ tiêu tốn tiền của, lãng phí nguồn nhân lực, tất yếu kìm hãm sự phát triển, đất nước không thể tiến nhanh, tiến xa.

Những năm qua, chúng ta luôn chú trọng đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Qua sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đến nay đã giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, 10 cục và 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ. Trên bình diện cả nước đã giảm 13 sở và tương đương, 2.590 phòng và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, 8.295 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 14,84%, vượt chỉ tiêu trung ương giao)...

Nhìn chung, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức sau sắp xếp đã từng bước ổn định, bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, thực thi công vụ trên các lĩnh vực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đặc biệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đã góp phần giảm chi thường xuyên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Mặc dù nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng bộ máy nhà nước nhưng nhìn nhận một cách thẳng thắn, khách quan, tổ chức bộ máy nhà nước vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ ràng, còn chồng chéo, trùng lắp.

Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý. Lý do là trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại nằm ngay trong tư tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động...

Ngày 31-10, trong khuôn khổ kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, phát biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, từ Đại hội XII của Đảng, nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, phải tinh gọn. Hiện nay mới làm từ dưới lên như xã, huyện sáp nhập còn tỉnh chưa làm tới. Hay mới thực hiện sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ, ngành, còn Trung ương chưa làm. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, bộ máy nhà nước cồng kềnh kìm hãm sự phát triển, do đó cần tinh gọn, tinh giản biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư.

Không có một nền kinh tế nào, dù tiềm lực mạnh đến đâu có thể nuôi nổi bộ máy cồng kềnh tầng nấc. Thực tế cho thấy, ở nước ta hiện nay, ngân sách nhà nước đang chi khoảng 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ các hoạt động. Nếu tăng lương sẽ tốn 80-90% ngân sách, khi đó sẽ không còn tiền để chi cho các hoạt động khác.

Như vậy, rõ ràng, việc tinh gọn bộ máy nhà nước là rất quan trọng, cấp thiết. Tuy nhiên, đây lại là công việc rất khó khăn, vì liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể, liên quan đến vấn đề con người. Song không vì thế mà chúng ta ngại ngần, chần chừ. Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Vấn đề càng khó, càng nhạy cảm, phức tạp thì càng phải phát huy dân chủ, giữ vững nguyên tắc, huy động trí tuệ tập thể, tạo đồng thuận, thống nhất cao.

Để cán đích mục tiêu đề ra, chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan Đảng, Nhà nước, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải có dũng khí và quyết tâm chính trị lớn, kiên quyết gạt bỏ những lợi ích bộ phận, không “tự tư tự lợi” và “chủ nghĩa vị thân” vì mục tiêu chung là tinh gọn, tinh giản biên chế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chúng ta có thể tin tưởng bộ máy nhà nước sẽ sớm được tinh gọn, chấm dứt tình trạng cồng kềnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.