Chính trị

Xây dựng bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chủ động

Đình Hiệp 18/06/2024 - 10:47

Thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ bảy, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) nhất trí với quy định giao thẩm quyền quyết định tổ chức bộ máy thuộc UBND nhằm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chủ động.

tran-chi-cuong-da-nang.jpg
Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Giao quyền chủ động cho thành phố

Về giao thẩm quyền quyết định tổ chức bộ máy thuộc UBND quy định ở Điều 9, đại biểu Trần Chí Cường tán thành khi cho rằng, thành phố Hà Nội có vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước, khối lượng công việc về quản lý, đầu tư phát triển rất lớn, phức tạp, yêu cầu ngày càng cao.

Ngoài việc bảo đảm nhiệm vụ của một địa phương cấp tỉnh, Hà Nội còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ chính trị đặc biệt, yêu cầu cao hơn về đô thị, môi trường, trật tự, an toàn xã hội, văn hóa, đối ngoại với vai trò là Thủ đô của đất nước. Với vị trí đô thị đặc biệt, Hà Nội có tốc độ phát triển nhanh, quy mô kinh tế lớn, hoạt động thương mại, dịch vụ, giao dịch quốc tế, văn hóa, thể thao diễn ra sôi động, đa dạng, có tầm ảnh hưởng lớn.

“Do đó, việc giao quyền chủ động cho thành phố trong quyết định, chịu trách nhiệm thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc chính quyền thành phố và cấp huyện để có được tổ chức bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn là rất cần thiết”, đại biểu Trần Chí Cường nhấn mạnh.

Theo đại biểu, dự thảo Luật trình Quốc hội kỳ này đã có sự tiếp thu, chỉnh lý tương đối phù hợp, đưa ra các nguyên tắc, điều kiện để thành lập, tổ chức lại các cơ quan theo yêu cầu quản lý của từng giai đoạn theo ý kiến của một số đại biểu. Đồng thời, có sự giới hạn về số lượng khi thành lập thêm tổ chức đối với cấp thành phố không vượt quá 15%, tương đương khoảng 3 cơ quan và đối với cấp huyện không vượt quá 10%, tương đương với 1 cơ quan theo khung quy định của Chính phủ.

“Như vậy, một mặt bảo đảm cho thành phố chủ động sắp xếp, bố trí tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Mặt khác cũng giới hạn không phát sinh việc thành lập quá nhiều cơ quan, đơn vị”, đại biểu Trần Chí Cường nêu quan điểm.

Đối với vấn đề cơ cấu tổ chức đại biểu của HĐND (Điều 9), dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố từ 95 lên 125 và tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên ít nhất 25%, tăng số lượng thường trực HĐND lên 11 người và HĐND không quá 6 ban, các ban có bộ phận hoạt động chuyên trách.

Theo đại biểu, đề xuất này có cơ sở phù hợp, qua việc xem xét, đánh giá, dự báo tác động của một số giải pháp cần thiết nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND. Trong thời gian tới, khối lượng công việc của HĐND thành phố sẽ tăng đáng kể, do đó yêu cầu đặt ra là cơ cấu tổ chức, bộ máy phải đủ mạnh để không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động, nhất là chất lượng giám sát, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Quản lý, khai thác hiệu quả tài sản công

dai-bieu-2.jpg
Các đại biểu thảo luận dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Về quy định liên quan đến quản lý, khai thác tài sản công, công trình hạ tầng, đại biểu Trần Chí Cường cho rằng, quy định như trong dự thảo Luật là cần thiết. Thực tiễn hiện nay, việc sử dụng tài sản công ở các đơn vị sự nghiệp công lập vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đang gặp nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện, do các quy định hiện hành về điều kiện, trình tự, thủ tục rất khó thực hiện cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể, phải xác định là tài sản dôi dư, chưa sử dụng hết công suất, phải xác định giá trị tài sản, giá trị thương hiệu, xác định liên doanh, liên kết, đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công. Đồng thời, phải thực hiện chương trình lập, thẩm định đề án và trình qua nhiều cấp phê duyệt, thẩm định với thời gian thực hiện tương đối dài, dẫn đến các đơn vị sự nghiệp gặp khó khăn. Kết quả là tài sản công không sử dụng hiệu quả, gây lãng phí, xuống cấp do thiếu kinh phí duy trì, bảo dưỡng.

Theo đại biểu Trần Chí Cường, những đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất nhưng chức năng, mục đích chính là để cho thuê, kinh doanh. Ví dụ như các khu làm việc chung, các văn phòng thử nghiệm, cơ sở thử nghiệm tại Trung tâm đổi mới sáng tạo, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Thế nhưng, cơ chế để đưa các tài sản này vào kinh doanh, cho thuê, khai thác tối đa hiệu quả là chưa rõ ràng, cụ thể, chưa tạo sự chủ động cho các đơn vị. Các đơn vị sự nghiệp công lập đã có nhiều phản ánh, kiến nghị về vấn đề này.

Theo đại biểu, trong bối cảnh thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập cần có cơ chế thông thoáng hơn. Trong đó, cho phép các đơn vị được chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý, khai thác tài sản công, đúng với công năng, mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Đây là quy định cần thiết để giải phóng, khai thác hiệu quả nguồn lực tài sản công nhà nước cũng như huy động sự tham gia của mọi nguồn lực xã hội.

“Tuy nhiên, cũng cần chú ý đến mặt trái của hoạt động kinh doanh, cho liên doanh, liên kết có thể dẫn đến việc sử dụng sai mục đích, thất thoát, tiêu cực trong khai thác tài sản công. Vì vậy, cần có những quy định mang tính nguyên tắc để kiểm soát vấn đề này”, đại biểu Trần Chí Cường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chủ động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.