Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tránh việc chưa ban hành đã bất cập

Hà Hiền| 27/06/2018 06:53

(HNM) - Bộ luật Lao động năm 2012 đang được lấy ý kiến để sửa đổi toàn diện, thay vì sửa đổi, bổ sung một số điều như quá trình soạn thảo trước đây. Từ các nhà nghiên cứu chính sách đến người dân đều mong muốn những nội dung của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tiễn, phù hợp với quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, tránh việc chưa ban hành đã bộc lộ những bất cập, hạn chế.

Nội dung dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được xây dựng trên cơ sở khoa học, phù hợp quá trình phát triển và hội nhập. Ảnh: Thái Hiền



Nhiều điểm mới

Sau quá trình triển khai, Bộ luật Lao động năm 2012 có những điều không còn phù hợp. Đó là quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, lao động nữ, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công… Vì vậy, trong dự thảo Bộ luật lần này, bước đầu, các cơ quan chức năng đưa ra 10 nhóm chính sách đề nghị sửa đổi.

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa vào các định hướng chính sách theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21-5-2018 về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Nổi bật là nhóm chính sách bảo đảm quyền tự do tìm kiếm việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng ngừa, xóa bỏ lao động cưỡng bức; mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về thời giờ làm thêm; sửa đổi khái niệm tiền lương tối thiểu và các tiêu chí xác định lương tối thiểu. Chính sách tiền lương tiếp tục được thể chế hóa theo cơ chế thị trường, từng bước mở rộng, tạo quyền tự chủ cho người sử dụng lao động và người lao động.

Dự thảo Bộ luật (sửa đổi) cũng đề cập đến chính sách nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức, mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm; mở rộng cơ chế về giải quyết tranh chấp lao động… Đặc biệt, các quy định để tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình từ năm 2021 nhằm thu hẹp dần khoảng cách về giới, thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã được đưa ra tham vấn ý kiến rộng rãi. Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đánh giá, hệ thống pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ lao động tại Việt Nam đã có sự tiến bộ trong những năm gần đây, song vẫn còn một số điểm bất cập. Để khắc phục, cách tốt nhất là phải xây dựng, ban hành các chính sách phù hợp, thay thế cho chính sách đã lỗi thời.

Tăng hiệu quả, bớt rườm rà

Thống nhất với việc cần sửa đổi tổng thể Bộ luật Lao động, các nhà nghiên cứu chính sách, nhà quản lý về lao động, việc làm đã góp ý với ban soạn thảo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhiều vấn đề quan trọng.

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết, do nhiều yếu tố, các quy định về kỷ luật lao động chưa được chấp hành nghiêm ở nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong khi đó, quyền xử lý kỷ luật lao động lại thuộc về người đứng đầu đơn vị. Trên thực tế, người đứng đầu đơn vị không phải ai cũng quan tâm và có thời gian giải quyết vấn đề này, nhất là những doanh nghiệp có mạng lưới thành viên ở nhiều nơi, khiến những vi phạm chậm bị xử lý hoặc xử lý chưa nghiêm. Để khắc phục, Bộ luật Lao động (sửa đổi) nên có quy định ủy quyền xử lý kỷ luật lao động. Ngoài ra, Bộ luật Lao động (sửa đổi) nên bổ sung quyền thanh tra lao động. Do quyền thanh tra lao động hiện không được quy định rõ ràng, nên khi phát hiện các cơ sở sản xuất có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng, thanh tra lao động cũng khó vào cuộc.

Góp ý cho các quy định về thang, bảng lương, định mức lao động, ông Trần Hảo Trí, Phó Trưởng phòng Quản lý lao động (Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hoạt động sản xuất ngày càng phát triển theo hướng hiện đại. Cách tính lương trong doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi. Đa số doanh nghiệp sản xuất cùng lúc nhiều sản phẩm, hàng hóa và trả lương theo sản phẩm, năng suất lao động, rất hiếm đơn vị trả lương theo thời gian. Vì vậy, doanh nghiệp nên được tạo điều kiện để tự xây dựng thang bảng lương, định mức lao động, tránh tình trạng chưa xây dựng xong định mức lao động đối với sản phẩm thì đã chuyển sang sản xuất sản phẩm khác, gây lãng phí.

Đại diện cho người lao động, bà Trần Thị Thanh Hà, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) kiến nghị, Bộ luật Lao động (sửa đổi) nên có những quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ người lao động bằng cách xây dựng kết cấu tiền lương theo ngành làm việc. Căn cứ vào đó, doanh nghiệp, công đoàn và người lao động sẽ tổ chức thương lượng về tiền lương. Tương tự, ông Chang Hee Lee khuyến nghị, Bộ luật Lao động (sửa đổi) nên quan tâm đến nội dung các công ước quốc tế về lao động. Chẳng hạn như Công ước số 98 về quyền thương lượng tập thể, Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức…

Với hơn 50% lao động Việt Nam đang làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức (không có quan hệ lao động), ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH lưu ý, quá trình nghiên cứu, xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi), các đơn vị liên quan cần quan tâm đến nhóm lao động này. Hiện nay, họ đang bị nằm ngoài nhiều quy định của pháp luật, vừa thiệt thòi cho số đông người lao động, vừa ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Qua đó có thể khẳng định, việc nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Lao động cần được tiến hành theo hướng tăng tính hiệu quả, giảm bớt quy định rườm rà.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tránh việc chưa ban hành đã bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.